Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Bảo vệ và phát huy di sản là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng xã hội”
Cập nhật: 30/07/2018
(TITC) – “Bảo vệ và phát huy di sản là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng xã hội”, đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Bộ VHTTDL tổ chức vào sáng nay (27/7) tại Hà Nội.    

Cùng dự hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế…

Hội nghị đã nghe Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên trình bày báo cáo về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

Theo đó, về xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý thích hợp; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức xã hội, đồng thời tạo động lực định hướng cho các hoạt động khác.

Về lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh di sản tiêu biểu ở trong nước và quốc tế: Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 di sản vào Danh mục Di sản Thế giới, cả nước có gần 62.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó 249 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, Việt Nam có 7 Di sản Tư liệu được UNESCO công nhận.

Về bảo vệ và phát huy giá trị di tích: các di tích sau khi tu bổ, cải tạo đã được các cấp chính quyền và cộng đồng quản lý và phát huy giá trị có hiệu quả. Đặc biệt, nhiều di tích sau khi tu bổ đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch như Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Quần thể di tích cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn…

Về phát triển hệ thống bảo tàng: sau khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, hệ thống bảo tàng đã có sự phát triển đáng kể về nhiều mặt, tăng cường về số lượng và mở rộng các loại hình bảo tàng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tháng 1/2018 vừa qua, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các bảo tàng và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Đề án “Hỗ trợ kết nối sản phẩm bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực tại Hà Nội” nhằm thử nghiệm tour du lịch chuyên đề kết nối bảo tàng, nhà hát với du lịch, góp phần thu hút du khách tới tham quan bảo tàng.

Về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cũng được tổ chức tại nhiều địa phương, thu hút các nghệ nhân xuất sắc đến truyền dạy và các học viên thuộc nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi theo học. Từ năm 2011 tới 2015, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chính phủ đã đầu tư cho mục tiêu sưu tầm, phục dựng, lưu trữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với tổng số kinh phí hỗ trợ gần 102 tỷ đồng. Các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và di sản đưa vào Danh mục quốc gia cũng chủ động xây dựng và triển khai các đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa đã trở thành điểm thu hút du khách như Lễ hội Đền Sóc, Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Ca Huế (Thừa Thiên – Huế), Đua ghe Ngo (Sóc Trăng), Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Ninh Thuận…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ di sản văn hóa là kết tinh trí tuệ, tình cảm và truyền thống của các thế hệ, Việt Nam tự hào vì có một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Thủ tướng nhấn mạnh “Bảo vệ và phát huy di sản là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng xã hội”.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương cần quán triệt nhận thức quan trọng này trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý. Ngành Văn hóa cần phải làm cho các di sản văn hóa hồi sinh và tồn tại một cách sống động, thu hút, đặc biệt là cần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự ấn tượng về lượng khách tăng mạnh tại các khu di sản ở Việt Nam trong những năm gần đây. “Trong năm 2017, chỉ tính riêng các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu từ vé tham quan đạt trên 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được, trong đó có công sức của những người làm công tác văn hóa tại địa phương. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, phát huy tính chủ động và sáng tạo của các cấp chính quyền, nhân dân trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường; Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành Di sản văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, chú trọng công tác đào tạo cán bộ của ngành, nâng cao chất lượng, kỹ năng nguồn nhân lực; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Khánh Trang