Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới, các đơn vị kinh doanh vận tải đã chủ động lên kế hoạch từ sớm, tăng cường phương tiện, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thời gian nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài ba ngày (từ 1 đến 3/9), dự báo lượng khách sẽ không biến động nhiều. Các đơn vị vận tải đường bộ hầu hết đều công bố không tăng giá cước, tàu hỏa vẫn còn nhiều vé, hàng không cũng tăng chuyến và có nhiều dải vé với mức hợp lý.
Hành khách lên tàu tại Ga Nha Trang (Khánh Hòa).
Cơ bản giữ nguyên giá cước
Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, dự báo lượng khách đổ về các bến xe sẽ tăng cao hơn so với các ngày cuối tuần bình thường, có thể tăng đột biến vào chiều 31/8 và sáng 1/9.
Ðể chủ động, thuận tiện giải tỏa hành khách (nếu tăng đột biến), công ty đã đề xuất Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cấp 300 phù hiệu xe tăng cường trong dịp nghỉ lễ. Ðơn vị đã lên kế hoạch tăng cường 600 lượt xe cho các bến, gồm Mỹ Ðình, Giáp Bát, Nước Ngầm, chủ yếu cho các tuyến có đông hành khách như Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh,… "Ðến thời điểm này, tại các bến xe Giáp Bát, Mỹ Ðình, Gia Lâm, chưa có đơn vị vận tải nào đề xuất tăng giá vé xe khách trong dịp nghỉ lễ. Do lượng xe cá nhân, các loại xe dịch vụ phát triển mạnh, dịp nghỉ lễ này, áp lực ở các bến xe cũng giảm so các năm trước" - Giám đốc Nguyễn Anh Toàn đánh giá.
Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho hay, bến sẽ huy động thêm 60 xe, chủ yếu tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An. Dự kiến năm nay, lượng khách tới bến trong hai ngày 31/8 và 1/9 khoảng 20 đến 25 nghìn lượt khách. Số lượng xe hiện tại và xe tăng cường hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Lãnh đạo các bến xe khuyến nghị, hành khách nên vào bến mua vé để tránh tình trạng nhồi nhét, ép giá từ nhà xe. Nếu phát hiện nhà xe vi phạm, hành khách cần phản ánh ngay đến đường dây nóng của lực lượng công an và bến xe.
Tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Bến xe Miền Ðông Nguyễn Hoàng Huy cho biết, lượng hành khách dịp Quốc khánh tuy có tăng nhưng không đột biến. Lượng hành khách qua bến từ ngày 31/8 đến 3/9 dự kiến khoảng 120.500 lượt, trong đó cao điểm ngày 1-9 khoảng 43 nghìn lượt. Bến huy động 20 xe buýt dự phòng, đang kiến nghị Sở GTVT chấp thuận điều chỉnh tăng giá cước trong dịp lễ đối với xe trái tuyến, xe hợp đồng, xe buýt tăng cường.
Ngành đường sắt cũng tăng hàng chục chuyến tàu đi các tuyến trong dịp nghỉ lễ 2/9, sẽ tiếp tục tăng thêm tàu, nối thêm toa nếu nhu cầu tăng cao. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà, trong các ngày từ 30/8 đến 3/9, đơn vị sẽ tổ chức chạy gần 140 đoàn tàu khách với 90 nghìn chỗ, bao gồm các chuyến tàu chạy thường xuyên hằng ngày. Các mác tàu lập thêm gồm: SE17, SE18 (Hà Nội - Ðà Nẵng), NA3/4, NA7/8 (Hà Nội - Vinh), LP10 (Hải Phòng - Hà Nội), SP7 (Hà Nội - Lào Cai),…
Giá vé tàu cơ bản giữ nguyên bằng giá vé đợt vận tải hè. Trong các ngày từ 13/8 đến 29/8 và từ 4/9 đến 26/12, ngành đường sắt thực hiện chương trình giảm giá vé với mức từ 10% đến 40% so đợt cao điểm hè. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức chạy thêm 30 chuyến tàu với 14 nghìn chỗ, nâng tổng số chỗ phục vụ dịp lễ lên 47 nghìn trong các ngày từ 31/8 đến 3/9. Giá vé các đoàn tàu chạy thêm như SNT3/4, 5/6 và 8 (Sài Gòn - Nha Trang) giảm từ 10 đến 20% so với tàu mác chính cùng hành trình.
Hàng không tăng chuyến
Theo nhận định của đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), do mới hết cao điểm du lịch hè, cho nên nhu cầu đi lại dịp 2/9 không có đột biến. Ðến thời điểm này, các chuyến bay tương đối thoải mái về số ghế, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Từ ngày 31/8 đến 3/9, VNA tăng thêm 32 chuyến, tương ứng gần 6.500 ghế trên các đường bay du lịch có nhu cầu cao, nâng tổng ghế cung ứng trên toàn mạng lên hơn 151 nghìn ghế. Các đường bay được tăng chuyến gồm Hà Nội đi Ðà Nẵng, Quy Nhơn và Phú Quốc, từ TP Hồ Chí Minh đi Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc và Ðà Lạt.
VNA sẽ liên tục cập nhật nhu cầu thị trường, linh hoạt điều chỉnh các chuyến bay nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu đi lại của hành khách. Trong các ngày từ 30/8 đến 3/9, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) thực hiện hơn 540 chuyến bay, tăng 35%, đáp ứng nhu cầu hơn 100 nghìn lượt khách, tương ứng hơn 20 nghìn lượt khách/ngày. Lịch bay được JPA lên kế hoạch từ sớm để hành khách chủ động mua vé. Ðại diện hãng cho biết, đến thời điểm này, lượng khách mua vé đến Phú Quốc, Ðà Nẵng, Ðà Lạt tăng cao.
Ðại diện JPA cho rằng, thu nhập người dân tăng lên, giá vé máy bay không chênh lệch quá lớn so với một số loại hình vận tải khác, cộng với yếu tố thời gian di chuyển nhanh đã giúp nhiều người tranh thủ dịp nghỉ lễ, cuối tuần để đi du lịch. Trong sáu tháng đầu năm nay, tổng thị trường vận chuyển hành khách theo đường hàng không tăng 16,8%, trong đó lượng khách do các hãng hàng không Việt Nam tăng 15% so với cùng kỳ.
Qua khảo sát một số trang mạng bán vé trực tuyến, tuy đã sát dịp lễ, nhưng lượng vé máy bay đi các điểm du lịch nổi tiếng vẫn còn khá nhiều. Chiều đi Hà Nội - Ðà Nẵng, các chuyến bay của VNA có giá dao động từ 1,4 đến 2,4 triệu đồng; chiều về có mức giá 2,4 triệu đồng. Các hãng JPA và VietJet Air (VJA) bán vé với giá rẻ hơn. Kênh bán vé trực tuyến của VJA công bố, chặng Hà Nội - Ðà Nẵng khung giờ đẹp phổ biến ở mức từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng (chưa gồm thuế, phí). Nếu đi vào buổi tối, có thể đặt vé rẻ ở mức 750 nghìn đồng. Chiều về có mức dao động từ 1,3 đến 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, chặng Hà Nội - Phú Quốc, chênh lệch giữa chiều đi và chiều về khá lớn. Chiều đi dao động từ 1,1 đến 3,3 triệu đồng, chiều về ở mức 2,2 đến 3,4 triệu đồng (chưa gồm thuế, phí).
Bài, ảnh: Trang Ly