Hiện nay, các tỉnh thành có tiềm năng du lịch ở nước ta, bên cạnh việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí từ nhẹ nhàng đến cảm giác mạnh đều phát triển thêm loại hình du lịch cáp treo.
Cáp treo là một phương tiện giúp du khách có điều kiện di chuyển nhanh, tham quan phong cảnh trên độ cao nhất định và tận hưởng cảm giác kỳ thú khi được di chuyển bằng phương tiện hàng không tĩnh lặng.
1. Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng)Công trình được đưa vào hoạt động gần đây nhất chính là Cáp treo Bà Nà. Công trình đã xác nhận hai kỷ lục thế giới: cáp treo một dây dài nhất thế giới và cáp treo có độ cao chênh giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới.
Sau khi điều tra, khảo sát, Tổ chức Guinness World Records đã chính thức công nhận tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng) đạt 2 kỷ lục Guiness thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m). Chứng chỉ công nhận đạt 2 kỷ lục này đã được đại diện Guinness World Records trao nhân dịp khánh thành cáp treo Bà Nà vào ngày 25/3/2009.
Với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, cáp treo Bà Nà gồm 24 trụ, 94 cabin (6 cabin VIP), công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Du khách chỉ mất 15 phút để đi từ chân núi lên đến khu du lịch sinh thái ở độ cao 1.487m so với mực nước biển.
Cũng tại khu du lịch Bà Nà Suối mơ, một công trình cáp treo thứ hai cũng vừa mới được khánh thành và đưa vào hoạt động. Tuyến cáp treo thứ hai trên núi Bà Nà dài 697m, bắt đầu từ đồi Vọng Nguyệt lên tới đỉnh núi Bà Nà. Với 11 cabin, hệ thống này có thể vận chuyển được 1.500 hành khách/giờ.
2. Cáp treo vượt biển duy nhất ở Việt Nam - Cáp treo Vinpearl Land (Khánh Hòa)Câu chuyện về cáp treo Vinpearl Land và khu du lịch Vinpearl Land, “đảo thiên đường” được bắt đầu phôi thai kể từ khi chủ đầu tư của dự án này cùng với kiến trúc sư người Pháp Claude Cuvelier thăm đảo Hòn Tre khi đó chỉ có quân đội đóng và những làng chài rất khiêm nhường. Ngay lập tức, nhà đầu tư lớn này và kiến trúc sư của mình đã có cùng một ý tưởng: biến nơi này thành một "kỳ quan du lịch" nhằm làm tôn vẻ đẹp của khu vực tự nhiên đặc biệt này để mọi người cùng được hưởng và như vậy tạo ra một điểm du lịch hấp dẫn cho thành phố biển Nha Trang - Khánh Hòa.
Hệ thống cáp treo Vinpearl Land được xây dựng là nhằm nối đất liền với đảo Hòn Tre, nơi có tổ hợp du lịch giải trí biển đảo đa chức năng Vinpearl Land. Hệ thống cáp treo Vinpearl Land nhằm mang lại cho mọi đối tượng khách du lịch và khách hàng một cảm giác hạnh phúc trong kỳ nghỉ trên đảo và mang đến cho tỉnh Khánh Hoà một kỳ quan có một không hai. Với hệ thống cáp treo vượt biển này, khách du lịch đến với Nha trang, Việt Nam sẽ có có hội nhìn ngắm thành phố và phong cảnh vịnh Nha Trang từ độ cao 60 mét so với mặt nước biển.
Thực tế, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một thương hiệu - sản phẩm du lịch đặc biệt của Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Cùng với Tháp bà Pô Na Gar, Khu bảo tồn sinh thái biển Hòn Mun, Cáp treo Vinpearl Land đã trở thành một trong những biểu tượng của Du lịch Nha Trang - Khách Hòa.
Trong năm 2008 vừa qua, số lượng du khách trong nước và quốc tế đến với Nha Trang – Khánh Hòa là khoảng 1,2 triệu lượt người thì đã có đến hơn 800 nghìn người (chiếm gần 70%) đến nghỉ dưỡng và tham quan Khu Du lịch & Giải trí Vinpearl Land; hầu hết đều sử dụng cáp treo Vinpearl là phương tiện di chuyển và chiêm ngưỡng vịnh Nha Trang trước khi lên đảo, chính điều này đã nói lên thành công và sức quyến rũ của Cáp treo Vinpearl Land.
Chính thức khởi công xây dựng từ tháng 4/2006 và đi vào hoạt động từ ngày 10/3/2007, hệ thống cáp treo này có độ cao trung bình là 45 mét và cao nhất là 54 mét so với mặt biển. Cáp treo Vinpearl được thiết kế với công suất 65 cabin loại 8 chỗ với công suất chuyên chở 1000 - 1500 khách/giờ. Hiện tại Cáp treo Vinpearl đang cho hoạt động với công suất 1000 khách/giờ với 47 cabin loại 8 chỗ; Thời gian đi suốt tuyến khoảng 12phút/ chuyến, với vận tốc 6m/s; Có thể hoạt động an toàn trong điều kiện gió cấp 7. Hệ thống cáp trep có 9 cột trụ (7 trụ trên biển và 2 trụ trên bờ) có hình dáng và cấu trúc giống tháp Effel, được thắp sáng bằng laser và đèn trang trí vào ban đêm.
Cáp treo Vinpearl Land giúp du khách đi lại giữa thành phố Nha trang và Khu du lịch giải trí Vinpearl Land trên đảo Hòn Tre. Ngồi trong cabin từ độ cao lý tưởng của cáp treo, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp với những bãi biển uốn lượn ôm gọn lấy thành phố biển, cũng như được ngắm nhìn cảnh đẹp tựa thiên đường của Vịnh Nha Trang, 1 trong 30 vịnh biển nổi tiếng và đẹp nhất thế giới với những góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.
3. Cáp treo Yên Tử (Quảng Ninh)Yên Tử là một địa chỉ du lịch hành hương nổi tiếng ở khu vực phía bắc. Hành hương Yên Tử là một cuộc leo núi đầy thú vị. Tuy nhiên du khách sẽ có cảm giác khác hơn nữa khi thực hiện cuộc hành trình bằng phương tiện cáp treo để chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Yên Tử từ trên cao.
Hệ thống cáp treo Yên Tử có 16 ca bin với công suất vận chuyển 700 khách/giờ. Cáp treo sẽ đưa du khách từ độ cao khoảng 50m lên độ cao 450m (so với mặt nước biển). Trước đây thời gian đi bộ trên đoạn đường này mất khoảng 2 giờ, nay đi bằng cáp treo chỉ mất 6 phút.
Sau khi xuống ga cáp treo ở gần chùa Hoa Hiên, bạn tiếp tục đi bộ đến chùa Một Mái để tiếp tục cuộc hành trình trên hệ thống cáp treo thứ hai. Hệ thống cáp treo nối chùa Một Mái với khu vực tượng An Kỳ Sinh chính là một công trình được nhiều người biết đến bởi những kỷ lục về sự hiện đại, tiến độ thi công, địa hình dốc đứng và độ cao. Tuyến cáp treo có tổng chiều dài 900m, gồm 36 ca bin, công suất vận tải khoảng 1.800 khách/giờ.
4. Cáp treo Chùa Hương (Hà Nội)Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp.
Trung tâm chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.
Trước đây, du khách muốn trảy hội Chùa Hương phải đi bộ, leo từ bến thuyền suối Giải Oan lên động Hương Tích mất cả ngày trời thì nay, với hệ thống cáp treo hiện đại, du khách chỉ mất 15 phút để lên tới chùa chính. Tổng chiều dài tuyến cáp treo là 1.218 m, nối từ sau chùa Thiên Trù lên động Hương Tích. Toàn tuyến có 32 cabin 6 chỗ loại Omega III của Thuỵ Sĩ, công suất chuyên chở 1.500 hành khách/giờ. Từ Thiên Trù lên Hương Tích có ba ga, là ga Thiên Trù, ga Giải Oan và ga Hương Tích.
5. Cáp treo Đà Lạt (Lâm Đồng)Tuyến cáp treo Đà Lạt dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển. Hệ thống cáp treo Đà Lạt này được khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2002, khánh thành ngày 24/1/2003 và chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/2/2003.
Hệ thống này do Hãng Doppelmayr của Thụy Sĩ và Áo thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Với 50 cabin tự động đủ màu sắc có công suất vận chuyển tối đa 900 lượt/giờ, du khách có thể thưởng ngoạn rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ, toàn cảnh thành phố ngàn hoa và bay trên những rừng thông bạt ngàn, tận hưởng cái lành lạnh của trời Đà Lạt.
Tại đồi Rôbin (rộng 15.000m2), một nhà ga 7.500m2 được trang bị hệ thống tách cáp hiện đại theo dây chuyền đường ray để cabin tự chặn lại cho khách lên xuống. Du khách còn có thể thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Đà Lạt của nhà hàng tại ga đi. Ở ga đến, khách sẽ được tham quan khu du lịch Thiền viện Trúc Lâm - hồ Tuyền Lâm và thưởng thức cơm chay. Đặc biệt, vào ngày 6/8/2004, Khu Du lịch Cáp treo Đà Lạt đã đưa vào phục vụ du khách chương trình “Cà phê cảm giác trên cáp về đêm”.
Cáp treo Đà Lạt đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho thành phố “đường trong hoa, thấp thoáng nhà trong lá” này.
6.Cáp treo Núi Bà Tây Ninh
Đã đặt chân lên mảnh đất Tây Ninh, du khách sẽ không thể từ chối lời mời tới vãn cảnh Núi Bà. Ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam Bộ, cách thị xã Tây Ninh 11 km, vừa là nơi đón khách tham quan, vừa là chốn tụ hội của hàng nghìn tăng ni Phật tử mỗi khi đến mùa lễ hội.
Ngọn núi này còn có tên là Núi Bà Đen. Theo truyền thuyết, có một người con gái tên Đênh (sau gọi chệch sang là Đen), là con một viên quan trấn thủ người Miên, rất sùng Phật đạo. Từ chối kết duyên với con quan vùng Trảng Bàng, nàng bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là "Linh Sơn Thánh Mẫu". Hàng năm, du khách tới thăm Điện Bà đông như nước chảy, nhất là vào mua xuân, mọi người tin rằng Bà sẽ phù hộ được an vui về mọi mặt, được giải tỏa tâm linh, và nhân thể ngắm phong cảnh hùng vĩ nơi đây.
Để phục vụ nhu cầu của du khách, một hệ thống cáp treo đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Với hệ thống này, du khách có thể thăm quan phong cảnh kỳ vĩ của Núi Bà với cảm giác mạnh mà vẫn an toàn, tận hưởng thú vị cảnh quan núi rừng thiên nhiên và muôn thú. Tuyến cáp treo Núi Bà Tây Ninh dài 1.225m, độ chênh cao giữa hai nhà ga là 225m, với 180 cabin hai chỗ ngồi, vận tốc di chuyển trung bình là 18 phút/lượt, cáp treo Núi Bà Tây Ninh có thể vận chuyển được 500 lượt khách/giờ.
7. Cáp treo núi Tà Cú (Bình Thuận)Khu du lịch núi Tà Cú nằm sát quốc lộ 1A, ở thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), cách TP Phan Thiết 30km. Khu du lịch rộng hơn 250.000 m² có rừng, núi và biển với quần thể sinh thái phong phú. Vừa qua, để phục vụ du khách, một hệ thống cáp treo hiện đại đã được lắp đặt tại đây.
Tuyến cáp dài 1.600m, cao 505m với 35 ca-bin đóng mở tự động có thể phục vụ 1.000 khách/giờ. Có hai nhà ga: nhà ga cáp dưới, nhà ga cáp trên, một quảng trường và những khu phụ trợ rộng rãi, khang trang cùng lúc có thể phục vụ hàng nghìn khách du lịch...
Kiến trúc toàn bộ khu du lịch cáp treo núi Tà Cú hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Ði cáp treo, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hương rừng, gió biển và ngắm nhìn những cánh rừng và đồng lúa. Ngồi ca-bin cáp treo, lướt trên những ngọn cây dong hoa đỏ rực, du khách cảm thấy thật thư giãn và dễ chịu. Sau khi vượt qua đỉnh ngọn núi nhỏ và khu rừng già nguyên sinh, trước mặt du khách là biển Hàm Thuận Nam, bên trái là ngọn hải đăng Kê Gà nổi tiếng có hơn 100 tuổi, hằng ngày vẫn cần mẫn hướng dẫn tàu, thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn.
Khi theo cáp treo đi xuống cũng rất thú vị. Từ trên cao, khách thấy những vườn Thanh Long thẳng hàng, xanh rì, dưới xa là những làng xóm mái ngói đỏ tươi. Nhìn toàn cảnh khu du lịch, khách sẽ ngạc nhiên và thú vị được chiêm ngưỡng ý tưởng độc đáo của các nhà kiến trúc khi xây dựng nơi đây như một tác phẩm nghệ thuật mang hình cây đàn nhị và cây đàn ghi-ta khổng lồ nối với nhau bằng một chiếc cầu xinh xắn. Khi du khách đi vào, xe điện êm ru chạy vòng theo nửa của hai cây đàn, lúc ra đi theo nửa còn lại. Cái cổng lợp ngói âm dương kiểu cổ là nơi đón và tiễn chân du khách, tạm khép lại một chuyến tham quan thú vị.
Có thể thấy hệ thống cáp treo tại Việt Nam đang góp phần tạo nên bản sắc du lịch Việt Nam, níu chân du khách.