Hơn 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn trưng bày tại triển lãm “Hoài niệm Hà Nội phố” sẽ phần nào tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tôn giáo của người dân Hà Nội.
Ngày 6/9, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hoài niệm Hà Nội phố”.
Cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: HM)
Hơn 130 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản đồ, bản vẽ kỹ thuật… được lựa chọn trưng bày tại triển lãm sẽ phần nào tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tôn giáo của người dân Hà Nội; khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một “Hà Nội ba sáu phố phường” thuở xưa; Thành cổ Hà Nội với quy mô và kiến trúc độc đáo; Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trường đại học lâu đời nhất Việt Nam; thắng cảnh Hồ Tây cùng nhiều di tích lịch sử bao quanh; Hồ Hoàn Kiếm với cầu Thê Húc, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn cùng các công trình mang đậm phong cách kiến trúc Á - Âu thời Pháp thuộc…
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Với bề dày lịch sử hơn nghìn năm, Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục lớn của cả nước; là biểu tượng cho các giá trị văn hóa của dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Để người dân Thủ đô và công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử, văn hóa, đất và người Thăng Long - Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức triển lãm này.
Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: HM)
Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng: Xuất phát từ tình trạng vật lý và yêu cầu bảo vệ an toàn tài liệu, ban tổ chức chỉ đưa ra trưng bày các phiên bản. Phần lớn bản gốc tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Được bố cục theo 3 chủ đề: Từ Nhượng địa Pháp đến khu phố Tây; Phố cổ Hà Nội; Thành Hà Nội và phụ cận, triển lãm sẽ là dịp để công chúng được tiếp cận nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, quy hoạch, kiến trúc… của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là động lực để người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng như phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Hoàng Mẫn