Khai mạc triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” năm 2018
Cập nhật: 09/10/2018
Sáng 9/10, chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018), báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử giám và Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” năm 2018 với chủ đề “Làng nghề, phố nghề Hà Nội” tại sân Bái đường - Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm ảnh ''Hà Nội trong tôi'' năm 2018

Dự buổi lễ có: Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Viêm Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội; ông Cao Minh - Trưởng ban Lý luận - Sáng tác Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội...

Về phía các đơn vị tổ chức có Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức - Trưởng ban Tổ chức triển lãm; ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử giám; Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội.

Phát biểu chào mừng các vị quan khách, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức thông tin, với chủ đề “Làng nghề - phố nghề Hà Nội”, triển lãm “Hà Nội trong tôi” lần này giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật 80 bức ảnh tái hiện không gian làng nghề - phố nghề Thủ đô đi qua năm tháng thời gian.

Ở đó, là những hình ảnh nhộn nhịp, sôi động của phố nghề nổi tiếng như tranh dân gian Hàng Trống, bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường, phố Lò Rèn, Lãn Ông… Những làng nghề thủ công mỹ nghệ vốn có truyền thống rất lâu đời, với nhiều nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ, tiêu biểu như làng nghề gốm Bát Tràng; gốm Kim Lan, lụa Vạn Phúc; tranh dân gian Hàng Trống, tranh thêu Quất Động, đúc đồng Ngũ Xã, tạc tượng Sơn Đồng, quạt giấy Chàng Sơn... Và cả những nghề mây tre đan, may, thêu, vẽ, truyền thần, múa rối… Tất cả đã làm nên những nét văn hóa đặc sắc Thủ đô. 

Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị - Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc triển lãm

Tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô, Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” mong muốn góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội hoà bình, thân thiện, đậm đà bản sắc văn hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Đây là năm thứ 13 báo Kinh tế & Đô thị tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi”. Qua các năm triển lãm đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10.

Các nghệ sĩ nhiếp ảnh, đồng nghiệp báo chí và công chúng đến với triển lãm ngày càng đông hơn, điều đó thể hiện chất lượng tác phẩm đã gây chú ý, tạo nên thương hiệu cho “Hà Nội trong tôi”.

Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị khẳng định, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” sẽ không dừng ở con số lần thứ 13 mà còn dài hơn nữa, hứa hẹn mang lại nhiều tác phẩm nhiếp ảnh giàu tính nghệ thuật cho người yêu Hà Nội.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hi vọng triển lãm ảnh ''Hà Nội trong tôi'' sẽ giữ được sự tin yêu là điểm hẹn của người yêu nhiếp ảnh, yêu Thủ đô

Đánh giá cao vai trò của báo Kinh tế & Đô thị trong tổ chức thường niên triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, triển lãm giúp những người yêu Thủ đô có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về làng nghề, phố nghề Hà Nội.

Qua triển làm ảnh lần này, bạn bè và du khách sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về văn hóa, nhịp sống người Hà Nội, về những giá trị của làng nghề, phố nghề Hà Nội qua góc nhìn của các nhiếp ảnh gia. 

Ông Hồ Quang Lợi hoan nghênh sáng kiến của Ban tổ chức khi tiếp tục trưng bày các hình ảnh của triển lãm lần này tại Bảo tàng Hà Nội, nhằm giúp người dân Thủ đô và du khách trong, ngoài nước hiểu thêm về những phố nghề, làng nghề Hà Nội.

Tiếp nối thành công của các kỳ triển lãm trong những năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị sang năm 2019 báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục chủ trì, phối hợp với Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử giám và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” với quy mô và chất lượng cao hơn.

“Tôi hy vọng, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” đã, đang và sẽ giữ được sự tin yêu là điểm hẹn của người yêu nhiếp ảnh, yêu Thủ đô”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nói.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Phúc - Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm

Có thể nói, triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” đã trở thành điểm hẹn của người yêu nhiếp ảnh, yêu Hà Nội vào đầu tháng 10 hàng năm. Triển lãm lần này đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng bởi tình yêu Hà Nội chân thành, sâu lắng và bền chặt; con mắt nghề giàu nhân văn và nhiều trải nghiệm sống. Đồng thời là nơi quy tụ những tác phẩm đẹp nhất, chất lượng nhất của các thành viên trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội và các phóng viên, cộng tác viên thân thiết của báo Kinh tế & Đô thị về chủ đề “Làng nghề, phố nghề”. 

80 khuôn hình tham gia triển lãm lần này là những sắc màu chân thực, sống động về cuộc sống, sinh hoạt ở các làng nghề, phố nghề của Thủ đô. Trong số đó có nhiều bức hình đã góp phần tạo nên dấu ấn cho chuyên mục ảnh “Hà Nội trong tôi” trên các số báo Kinh tế & Đô thị cuối tuần suốt 13 năm qua. 

Các đại biểu tham quan tranh tại triển lãm

Triển lãm ảnh năm nay được chia làm 3 chủ đề chính: “Phố nghề”, “Nghề thủ công mỹ nghệ” và “Nghề ẩm thực”.

Trong phần 1, triển lãm được xem như bức tranh lớn khắc họa hình ảnh nhộn nhịp, sôi động của phố nghề Hà Nội trong các tác phẩm: “Nghệ nhân khảm tam khí Nguyễn Ngọc Trọng, phố Khâm Thiên - quận Đống Đa” của tác giả Lê Bích; “Nghệ nhân phố Hàng Bạc” của tác giả Hữu Tiệp; “Gia đình duy nhất trên phố Tô Tịch còn giữ nghề tiện gỗ” của Hữu Tiệp; “Miệt mài giữ nghề tranh dân gian Hàng Trống” của Lê Bích; “Chế tác tre trúc trên phố Hàng Vải”, “Bánh cốm Hàng Than”, “Đặc sản ô mai Hàng Đường” của Hồng Hạnh; “Nghệ nhân Nguyễn Phương Hùng (phố Lò Rèn) giữ lửa nghề” của Đặng Linh; “Phố Lãn Ông” của Thanh Hải;…

Phần 2 với nội dung “Nghề thủ công mỹ nghệ”, triển lãm trưng bày những mảng màu rất đỗi chân thực, sinh động trong lao động, sản xuất ở các làng nghề thủ công mỹ nghệ vùng ngoại thành.

Trong đó phải kể đến các tác phẩm: “Nét tinh xảo quạt giấy Chàng Sơn” của Xuân Đạt; “Sản xuất chao đèn ở Phú Vinh (Chương Mỹ)” của Đức Ninh; “Lồng chim Canh Hoạt – xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai” của Nguyễn Ngọc Văn; “Tuổi thơ làng Chuông – Thanh Oai” của Tuyết Minh; “Gốm Bát Tràng – Gia Lâm” của Hoàng Như Thính; “Gốm Kim Lan (Gia Lâm) có lịch sử cả nghìn năm đang dần hồi sinh” của Hồng Hạnh;..

“Nghề ẩm thực” là nội dung thứ 3 của triển lãm với rất nhiều tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc đẹp ở các làng nghề truyền thống sản xuất sản phẩm ẩm thực. Đó là, “Phơi bánh đa làm miến – Làng So, Quốc Oai” của Viết Mạnh; “Được nắng” của Văn Phúc; “Cốm Vòng - Hương vị mùa Thu Hà Nội” của Lê Bích; “Dẻo thơm bánh cuốn Thanh Trì” của Tân Thanh; “Làm mốc tương Đường Lâm, Sơn Tây” của Trương Thanh Bình; “Làng bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây) món quà dân giã” của Hữu Tiệp; “Đặc sản cốm Mễ Trì” của An Khang;…

kinhtedothi.vn