Ngày 22/11, tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay tỉnh Thái Nguyên”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.
Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm lần thứ XIV Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Triển lãm nhằm giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Múa Tắc Xình là điệu múa dân gian đặc trưng không thể thiếu trong lễ Cầu mùa của người Sán Chay để tạ ơn trời đất, thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng bản ấm no và cầu khẩn thần linh che chở cho mùa vụ tiếp theo.
Đây cũng là vũ điệu thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời là con người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thể hiện niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người lao động...
Điệu múa Tắc Xình có các động tác mô phỏng đời sống lao động hằng ngày của người Sán Chay như thăm và dọn đường, mài dao, phát nương, tra mố, chăm sóc lúa, thu hoạch mùa màng, mừng mùa và trả lễ cho thần linh. Động tác múa và âm nhạc cho múa khá đơn giản, những người tham gia Tắc Xình phải là nam giới với chủ lễ là thầy cúng hoặc người múa có kinh nghiệm và kỹ thuật cao.
Khi người làm lễ ra hiệu lệnh, hai người tay cầm ống tre nhấc lên cao ngang mặt, một tay cầm cây gõ hai lần liên tiếp vào ống tre tạo nên âm “tắc, tắc”, rồi cầm ống mai đập mạnh xuống đất phát ra tiếng kêu “xình”.
Khách tham quan Triển lãm.
Tiếng nhạc gõ liên tục, không ngừng nghỉ, tạo thành nhịp điệu của bước nhảy và âm thanh tạo thành chuỗi “Tắc - tắc - xình, tắc - tắc - xình...”. Trong vòng âm thanh liên hồi đó, những người nhảy thể hiện động tác khỏe mạnh, nhịp nhàng mô phỏng động tác trong các hoạt động lao động sản xuất của người Sán Chay.
Năm 2014, múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, làm phong phú, đa dạng nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Triển lãm trưng bày trên 60 bức ảnh với 3 nội dung: Hình ảnh tư liệu về văn hóa truyền thống dân tộc Sán Chay tỉnh Thái Nguyên; Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia múa Tắc Xình, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay với du lịch tỉnh Thái Nguyên.
Trong thời gian diễn ra triển lãm, các nghệ nhân Câu lạc bộ Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương tham gia trình diễn múa Tắc Xình phục vụ du khách tham quan. Ngoài ra, tại triển lãm, Câu lạc bộ nghiên cứu sưu tầm cổ vật Việt Bắc còn trưng bày trên 100 hiện vật về văn hóa dân tộc của các nhà sưu tập.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 24/11.
Tin, ảnh: Trần Quân Trang