(TITC) – Nằm bên bờ dòng sông Nhuệ hiền hòa, Làng lụa Vạn Phúc – một trong những làng nghề lâu đời của Hà Nội đã trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo du khách, đặc biệt với du khách quốc tế bởi nơi đây còn gìn giữ được những sản phẩm lụa mang trọn tinh túy của nghề dệt lụa tơ tằm.
Ảnh minh họa: Internet
Làng lụa Vạn Phúc cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10 km, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Theo lịch sử ghi lại, nghề dệt ra đời tại đây khoảng thế kỷ thứ XIII, là tiền đề hình thành nên làng lụa Hà Đông với phần lõi tập trung tại làng Vạn Phúc. Qua các giai đoạn phát triển, lụa Vạn Phúc dần khẳng định được thương hiệu danh tiếng và từng được lựa chọn để may trang phục triều đình.
Tiếng thơm vang xa, lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1938), ngay sau đó được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp, rất được ưa chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Indonesia... Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, lụa Vạn Phúc đến nay đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, đi vào nhiều áng văn thơ như một nét văn hóa giàu bản sắc của dân tộc. Diện mạo làng lụa Vạn Phúc cũng đổi thay với những nếp nhà mới mọc lên san sát, những cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm lụa tấp nập người bán, người mua.
Trong làng đã bắt đầu hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh có quy mô lớn, vì vậy sản phẩm lụa cũng phong phú và đa dạng hơn như lụa, gấm, the, lĩnh, đũi… với nhiều tên gọi khác nhau: băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn, the trơn, đũi hoa, vân thọ đỉnh… Họa tiết trang trí trên lụa theo 4 chủ đề: động vật (hình tượng tứ linh, lưỡng long song phượng, song hạc, ngũ phúc, quần ngư vọng nguyệt…); thực vật (gồm tùng, cúc, trúc, mai, hoa hồng…); đồ vật (cuốn thư, đồng tiền, lẵng hoa, bình cổ, đèn lồng); hình họa (chữ thọ - điền, hình vuông…). Tất cả được thêu tỉ mỉ, chau chuốt dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng lụa, tạo nên những sản phẩm tinh xảo và giàu thẩm mỹ.
Theo thống kê, làng nghề Vạn Phúc hiện có trên 1.000 máy dệt, gần 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề (tương đương 27 tỷ đồng), đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương.
Tham quan tại làng lụa Vạn Phúc, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng và mua sắm những sản phẩm thủ công nổi tiếng mà còn được trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất ra những tấm lụa ỏng ả, mềm mại bằng chiếc khung cửi có tuổi đời hàng trăm năm.
Làng lụa Vạn Phúc được trang trí bởi nhiều chiếc ô rực rỡ (Ảnh minh họa: Báo Tổ quốc)
Đặc biệt, làng lụa Vạn Phúc những ngày này sôi động hơn cả bởi sự kiện Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc với chủ đề “Vạn Phúc – Sắc lụa nghìn năm”, diễn ra từ 8-17/11/2018. Tuần lễ với 3 phần chính gồm: phần lễ, phần hội và phần thương mại quảng bá làng nghề.
Ngoài các hoạt động chính, Tuần Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc còn có nhiều hoạt động thú vị như phố ẩm thực, phố hoa sinh vật cảnh, phố đồ cổ - xưa và các hoạt động giao lưu thương mại giữa các làng nghề truyền thống... với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương và các làng nghề truyền thống. Điểm nhấn ấn tượng nhất tại sự kiện lần này là con phố dài trên 100m ở làng lụa Vạn Phúc được trang trí bởi hàng nghìn chiếc ô có màu sắc rực rỡ và lung linh huyền ảo mỗi khi đêm xuống. Đây đã nhanh chóng trở thành điểm check-in thu hút đông đảo giới trẻ và du khách tới tham quan.
Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại và du lịch làng nghề, góp phần tăng cường quảng bá du lịch của TP Hà Nội. Dự kiến, mô hình phố đi bộ (với 3 tuyến chính: phố lụa, phố hoa, phố đồ cổ) sẽ được thí điểm triển khai tại Vạn Phúc vào mỗi thứ 7 – chủ nhật hàng tuần.
Khánh Trang