Hải Dương và tiềm năng du lịch chưa được đánh thức
Cập nhật: 03/12/2018
Từ xa xưa, Hải Dương đã nức tiếng khu vực đồng bằng sông Hồng là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", một trong những vùng đất văn hiến, khoa bảng và có trên 2.207 di tích lịch sử, danh thắng, nhiều làng nghề nổi tiếng như gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao…

Văn Miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) - Di tích lịch sử thờ Khổng Tử và tôn vinh các bậc đại khoa nho học tiêu biểu cho truyền thống văn hiến

Với những điệu kiện thuận lợi trên, lại có vị thế khá quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Hồng, Hải Dương có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên để khai thác được hết lợi thế và tiềm năng đó, Hải Dương còn rất nhiều việc phải làm.

Trong chuyến khảo sát các điểm di tích lịch sử, danh thắng, các địa điểm du lịch của Hải Dương tại huyện Cẩm Giàng và Thanh Miện mới đây (ngày 28, 29/11) cho thấy, Hải Dương đang sở hữu những địa danh du lịch vàng, những di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt cần phải được bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di tích và qua đó đẩy mạnh phát triển du lịch.

Bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong năm 2017, khách du lịch đến Hải Dương lưu trú ước đạt 3.750.000 lượt, doanh thu đạt 1.780 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương ước đạt 2.000.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng.

Đến nay, Hải Dương có trên 160 cơ sở lưu trú, trong đó có một khách sạn hạng 4 sao, hai khách sạn hạng 3 sao, 17 khách sạn hạng 2 sao, sáu khách sạn hạng 1 sao; 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; trên 20 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch; 20 doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân du lịch.

Cũng theo bà Phạm Thị Kim Nhung, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế như vậy, nhưng du lịch của Hải Dương còn khá khiêm tốn so với các tỉnh bạn trong khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình…Hải Dương chưa thực sự trở thành điểm sáng hay cái tên nổi bật để du khách cũng như các công ty lữ hành tìm đến nhiều.

Tỉnh chưa khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng du lịch của mình. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu của phát triển; chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất thấp, mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế.

Các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng và ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với du khách, cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ…. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội từ du lịch mang lại chưa cao, chưa tạo động lực để thúc đẩy, lôi cuốn người dân sở tại (ở các địa phương có điểm di tích, du lịch) nhập cuộc, cùng làm du lịch với chính quyền….

Dưới góc nhìn của đơn vị lữ hành, bà Phạm Thanh Tâm, Công ty Du lịch Viettrans tour cho rằng, nếu chỉ có tiềm năng mà dịch vụ liên quan chưa đến được với du khách thì rất khó. Hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm còn thiếu và yếu, thiếu các cơ sở lưu trú, kết nối tour tuyến chưa được chú trọng…

Ông Đỗ Dương Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Ninh Bình cho rằng, Hải Dương còn bỏ phí tiềm năng du lịch. “Đơn cử như huyện Cẩm Giàng hay Thanh Miện có các di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt gắn liền với tên tuổi của nhiều vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, thần y Tuệ Tĩnh… nên chọn du lịch văn hóa, du lịch tâm linh làm điểm nhấn và đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch. Hiện nay sản phẩm du lịch đã có nhưng chưa được đầu tư, còn đơn sơ; nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế”, ông Tiến nói.

Báo Chính phủ