Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, Bình Thuận
Cập nhật: 21/12/2018
Ngày 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
KDLQG Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP.Phan Thiết), có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha. KDLQG Mũi Né phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, đặc biệt là thắng cảnh Bàu Trắng, Bàu Sen và các đồi cát ven biển. Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch biển. Đồng thời, phát triển khu du lịch trong mối liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
Về mục tiêu phát triển, sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của KDLQG, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển khu du lịch Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thí Bình Dương. Năm 2025 sẽ đón khoảng 9 triệu lượt khách (quốc tế 1,5 triệu), phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách (quốc tế trên 2 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt 24 ngàn tỷ đồng năm 2015, đến năm 2030 đạt khoảng 50 ngàn tỷ đồng.
Đối với thị trường khách du lịch, đến năm 2025 duy trì và mở rộng thị phần du khách quốc tế truyền thống như Nga, Đông Âu, châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, khu vực Đông Nam Á; từng bước tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường cao cấp từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với thị trường trong nước, ưu tiên phân khúc có mức chi tiêu cao tại các đô thị lớn ưa thích sản phẩm du lịch biển. Sau năm 2025, sẽ duy trì sự tăng trưởng ổn định của các thị trường khách truyền thống, đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường khách du lịch tiềm năng như Ấn Độ, châu Đại Dương, Trung Đông. Trong phát triển sản phẩm, sẽ hướng đến du lịch biển (nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển, thể thao biển), sản phẩm đặc trưng địa hình "cát" (tham quan hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên cát). Ngoài ra, còn hướng đến các sản phẩm quan trọng như văn hóa, nhất là văn hóa Chăm, du lịch gắn với cộng đồng, làng nghề, du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, vui chơi, giải trí…
Trong tương lai, KDLQG Mũi Né sẽ có 3 phân khu du lịch chính. Đó là phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình diện tích khoảng 500 ha, tập trung phát triển các tổ hợp du lịch đa năng với sản phẩm cao cấp; phân khu du lịch biển Mũi Né diện tích khoảng 340 ha, tập trung phát triển không gian công cộng kết hợp mô hình khu nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ; phân khu du lịch chuyên đề - du lịch Cát khoảng 100 ha sẽ khai thác các đặc trưng về cảnh quan cát, sinh thái nông nghiệp, dã ngoại. Bên cạnh đó, sẽ phát triển 4 trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Thuận, có chức năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần cho KDLQG Mũi Né, gồm: Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến, Trung tâm dịch vụ du lịch Mũi Né, Trung tâm dịch vụ du lịch Hòa Thắng, Trung tâm dịch vụ du lịch Suối Nước. Cùng với đó, tổ chức không gian phát triển còn có các điểm du lịch quan trọng như: Bàu Trắng, Công viên vui chơi giải trí Hòn Rơm và đô thị du lịch Phan Thiết.
Cùng với việc tập trung phát triển các tuyến du lịch chính (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không), quy hoạch tổng thể còn định hướng phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỷ thuật phục vụ du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình lưu trú cao cấp gắn với sản phẩm đặc thù, khách sản 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập, hệ thống cơ sở dịch vụ, thương mại, ẩm thực, thể thao. Về hạ tầng du lịch, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện sân bay Phan Thiết, cảng biển, bến du lịch, cấp thoát nước, đường nội bộ kết nối các khu du lịch chính, cảng Phan Thiết đón khách quốc tế, đường ven biển Hòa Phú.
Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mũi Mé được thực hiện theo các giải pháp là cơ chế chính sách và quản lý quy hoạch, đầu tư và thu hút vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu Khu du lịch, thị trường và sản phẩm du lịch, liên kết phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.
Về tổ chức thực hiện, tỉnh Bình Thuận sẽ công bố quy hoạch, ban hành quy chế quản lý KDLQG Mũi Né, đánh giá hiệu quả đầu tư và điều chính định hướng dự án phù hợp với quy hoạch, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư, chủ trì phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư, duy trì Ban ứng phó biến đổi khí hậu, phối hợp các bộ, ngành liên quan tìm nguồn viện trợ không hoàn lại, vay vốn để thực hiện các chương trình, dự án biến đổi khí hậu tại KDLQG Mũi Né.
Báo Tổ quốc
|
|
|