Kiên Giang đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long về doanh thu du lịch
Cập nhật: 26/12/2018
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực kinh tế - văn hóa đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam của đất nước; có diện tích 40.518 km2, dân số hơn 17,5 triệu người với 4 dân tộc chính Kinh, Hoa, Khơmer và Chăm.
Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)
Được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ của sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng rừng xanh và biển đảo đã hình thành cho ĐBSCL một hệ sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn. Nơi đây có 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang và Cà Mau; 4 vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), Tràm Chim (Đồng Tháp), U Minh Thượng và Phú Quốc (Kiên Giang). Sân chim với vô số chim muông và động thực vật quý ở Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...
ĐBSCL còn hấp dẫn du khách với nhiều vườn hoa rực rỡ sắc màu, vườn cây ăn trái bạt ngàn, trĩu quả như làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), vườn hoa kiểng ở Long An, vườn trái cây ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… Những phiên chợ nổi nhộn nhịp vào buổi sáng sớm như Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cái Bè (Tiền Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)… những cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Quy, cồn Tiên (Bến Tre), cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng), cồn Thới Sơn (Tiền Giang)… luôn chan hòa ánh nắng, thiên nhiên trong lành cũng là một nét đẹp rất đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ.
Ngoài ra, những lễ hội dân gian, truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo như lễ hội vía bà Chúa Xứ núi Sam, lễ hội Nguyễn Trung Trực, lễ hội Ookombok đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi… tính cách con người miền Tây hiền hòa, hiếu khách cũng là những sản phẩm du lịch thú vị hấp dẫn du khách. Đến ĐBSCL, du khách sẽ có dịp thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc trưng của vùng sông nước như cải lương, điệu múa của đồng bào Khơmer. Đặc biệt, các tỉnh ĐBSCL còn là nơi bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với những tiềm năng phong phú và đa dạng đó, các địa phương trong vùng đã không ngừng nỗ lực tập trung khai thác lợi thế sẳn có để phục vụ phát triển du lịch. Nhờ đó những năm qua lượng khách đến với ĐBSCL đã không ngừng tăng lên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế xã hội của địa phương.
Năm 2018, ĐBSCL đã đón 40.745.296 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Trong đó, có 3.420.109 lượt khách quốc tế, tăng 19,8 % so với cùng kỳ. Đạt doanh thu 23.782,7 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số các địa phương trong vùng, Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang là các địa phương tiêu biểu có tỷ lệ tăng ấn tượng về lượt khách. Địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là An Giang với 8,5 triệu lượt khách chủ yếu là khách tham quan lễ hội. Địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất là Tiền Giang với 811.249 lượt và địa phương có doanh thu du lịch cao nhất là Kiên Giang với 6.195 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên là nổ lực rất lớn của ngành du lịch các địa phương, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp du lịch. Trong đó, 2 Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông và phía Tây ĐBSCL đã phối hợp, vận động, tập hợp các doanh nghiệp du lịch trong Vùng liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển. Qua đó, cùng nhau tăng cường xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật… góp phần vào sự phát triển chung của cả khu vực.
Năm 2019, để giữ được mức tăng trưởng, ngành du lịch các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu thị trường, mở rộng liên kết, hợp tác trong và ngoài nước; cùng nhau triển khai đề án phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến 2020, định hướng đến 2030 vào thực tế các địa phương; tích cực tham gia, tổ chức, hưởng ứng các sự kiện văn hóa, du lịch tại các địa phương để thu hút khách.
Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá; xây dựng sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; củng cố lại hoạt động của các khu, điểm du lịch tại địa phương để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn; tận dụng cơ hội đón luồng khách quốc tế qua sân bay Phú Quốc và sân bay Cần Thơ với các đường bay kết nối với các nước Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc.... Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng cần thực hiện nhiều chính sách như khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách nhân các ngày lễ lớn, đặc biệt là tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu du lịch nhất là vào mùa thấp điểm để thu hút khách.
Trần Linh
Sở Du lịch Kiên Giang
|
|
|