Yên Tử - Bốn mùa đều đẹp
Cập nhật: 27/12/2018
Ai đó đã nói rằng, nếu đi Yên Tử hãy chọn mùa xuân, bởi mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của lễ hội, vạn vật sinh sôi, cây cối đâm chồi, nảy lộc. Tôi nghĩ điều đó cũng không sai, đẹp hay không là do cảm nhận của mỗi người. Đối với tôi, Yên Tử mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng.
Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử
Đến với Yên Tử vào bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, du khách đều có thể cảm nhận được không gian mênh mông, huyền ảo của mỗi mùa nơi đất Phật. Nơi đây du khách được tận hưởng vẻ đẹp cổ kính của rừng già, các cây đại trên 700 tuổi, những cây tùng, cây bách cổ thụ. Trên đỉnh chùa Đồng trải rộng một màu xanh của núi rừng, có lúc bồng bềnh trong mây trắng, du khách như được lạc vào cõi tiên cũng như được thưởng ngoạn sự bình yên nơi non thiêng Yên Tử.
Mùa xuân lên Yên Tử, du khách có thể được ngắm vẻ đẹp của hoa mai vàng nở rực bên các triền núi. Đây là giống mai quý hiếm của Yên Tử. Những cây hoa mai vàng cổ thụ vươn cao, nằm trên vách núi cheo leo, bông hoa 5 cánh, tỏa mùi hương thơm mát, thanh khiết, khoe sắc vàng rực trước tiết xuân lạnh nơi núi rừng xanh thẳm. Mai vàng phân bố tại nhiều điểm ở quanh núi Yên Tử như tại khu vực chùa Đồng, Thác Vàng, Thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái...
Hoa mai vàng Yên Tử
Không ồn ào và náo nhiệt như mùa xuân, mùa hè ở Yên Tử trầm lắng hơn, dưới cái nắng chói chang của những ngày hè, những làn gió dịu mềm phả vào mặt, rồi màu xanh mát mắt của bạt ngàn cây cỏ nơi đây khiến trong lòng mỗi du khách như thấy dịu lại. Bao lo toan, buồn phiền dường như tan biến, chỉ còn lại mình với sự hùng vĩ của thiên nhiên. Đặc biệt, mùa hè còn có thêm những khóa tu ở Thiền viện Trúc Lâm dành cho học sinh. Những bài học về chữ hiếu, đối nhân xử thế... giúp các em trân trọng cuộc sống xung quanh hơn để hoàn thiện bản thân mình.
Khác với các mùa khác trong năm, mùa thu và mùa đông lên Yên Tử, thời tiết rất đẹp, nắng nhè nhẹ không còn gay gắt như những ngày hè, không có sự đông đúc, ồn ã, chen lấn vội vàng như những ngày lễ hội. Du khách có thể thong dong dạo bước trên từng bậc đá rêu phong đến khám phá những ngôi chùa cổ kính như chùa Hoa Yên, vườn tháp Huệ Quang, khu tượng đá An Kỳ Sinh hay ngắm tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam. Trên đường đi, bạn có thể thỏa thích ngắm nhìn màu xanh bạt ngàn của những rừng trúc, những ngọn trúc mảnh mai uốn cong đan xen giữa những tán cây tùng, cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Du khách hành hương về Yên Tử
Con đường đi bộ từ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên chùa Đồng (nằm trên đỉnh non thiêng Yên Tử, có độ cao 1.068m so với mực nước biển), như rộng hơn, không rơi vào cảnh đông đúc như những ngày mùa xuân. Bạn có thể thảnh thơi vào chùa lễ Phật, không gian yên tĩnh, tiếng chuông chùa trên đỉnh núi ngân vang sẽ mang lại cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thấy lòng mình thanh thản hơn, trút bỏ mọi nỗi lo âu đời thường khi về với đất Phật.
Hơn hai thập niên trở lại đây, các di tích văn hóa Yên Tử không ngừng được trùng tu, tôn tạo cùng với việc quy hoạch, kiến thiết, nâng cấp hạ tầng, biến chốn núi non vừa là nơi tu hành, vừa là vùng danh thắng ngày càng trở nên đẹp đẽ và cuốn hút du khách. Mỗi năm, Yên Tử đón trên 2 triệu lượt người hành hương và khách du lịch về tham quan, vãn cảnh.
Báo Quảng Ninh
|
|
|