ASEAN hướng đến kết nối di sản phát triển du lịch trong thời đại số
Cập nhật: 17/01/2019
(TITC) – Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, sáng nay (16/1), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Du lịch ASEAN với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số”. Đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động của ATF Việt Nam 2019.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại hội nghị
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng và sự tham gia của đại diện các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học cùng các hiệp hội, doanh nghiệp, và các nhà đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh, trong những năm qua, số lượng các khu di sản thế giới được UNESCO công nhận đã không ngừng tăng lên và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đem lại lợi ích đầy hứa hẹn cho cộng đồng, doanh nghiệp, từ các công ty đa quốc gia, đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho các tổ chức và các cá nhân. ASEAN là khu vực chứa đựng nhiều di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới và đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn toàn cầu.
Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, sự sáng tạo, thúc đẩy khám phá, cùng với những cam kết mạnh mẽ đối với bảo tồn, kết nối và phát huy giá trị di sản sẽ là những tiền đề để tạo ra liên kết mới phát triển du lịch di sản ASEAN, góp phần vào sự thịnh vượng của các nước thành viên.
Với sự chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, sáng kiến của các quốc gia thành viên, các chuyên gia quốc tế đến từ UNESCO, các trường đại học của Vương quốc Anh, Úc, Hàn Quốc, tổ chức National Geographic, Hội nghị đã có nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh các vấn đề: Những sáng kiến, giải pháp ứng dụng cụ thể thành tựu công nghệ mới trong kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN; Thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, kết nối giá trị di sản chung của khu vực, tạo dựng “sức mạnh của sự thống nhất” trong ASEAN.
Toàn cảnh hội nghị
Các sáng kiến, giải pháp đưa ra tại Hội nghị đều mang thông điệp “Trân trọng quá khứ hướng tới phát triển du lịch trong tương lai”, đồng thời chứng minh rằng phương thức tiếp cận mới – kết nối giá trị di sản phát triển du lịch ASEAN sẽ góp phần tăng cường hợp tác trong khu vực, liên kết các di sản - báu vật của thiên nhiên và văn hóa thế giới để phát triển du lịch ASEAN lên một tầm cao mới và thúc đẩy phát triển cộng đồng kinh tế, cộng đồng chính trị - an ninh và cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN.
Hội nghị đã thống nhất những nội dung quan trọng: Khẳng định vai trò của các di sản thế giới trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của ASEAN; Ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển du lịch di sản trên nền tảng phát triển của công nghệ số trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Mong muốn phát triển và thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, kết nối giá trị di sản chung của khu vực, tạo dựng sức mạnh của sự thống nhất trong ASEAN; Kết nối di sản, phát triển du lịch sáng tạo, du lịch khám phá, nhiều trải nghiệm cùng với những cam kết mạnh mẽ về bảo tồn trên cơ sở ứng dụng thành tựu công nghệ mới chính là chìa khóa cho sự trường tồn của các di sản, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản thế giới của ASEAN.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm khởi xướng những ý tưởng sáng tạo trên lĩnh vực du lịch, di sản và công nghệ số. Đồng thời góp phần tăng cường mối liên hệ, hợp tác trong khu vực, tăng cường liên kết hợp tác các di sản và đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu “đến năm 2025, phát triển ASEAN thành điểm đến du lịch chất lượng cao với những trải nghiệm độc đáo, đa dạng” đã được nêu ra trong Kế hoạch chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016 – 2025.
Phó Giáo sư Lee Seul Ki (Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dữ liệu ngành Du lịch (TIDAL), Hàn Quốc):
Cần nâng cao khả năng kết nối của du khách (không cần đổi SIM điện thoại, hỗ trợ dịch vụ điện thoại di động…); Chia sẻ dữ liệu về dòng du khách giữa các điểm di sản; Xây dựng tour du lịch có chất lượng tiêu chuẩn và ổn định cho các điểm di sản ở ASEAN: có thuyết minh đa ngôn ngữ, giới thiệu thông tin về lịch sử và di sản của ASEAN; Chia sẻ dữ liệu khách du lịch trước, trong và sau tour du lịch để hiểu biết kỹ hơn về du khách và nhu cầu của họ; Hình thành các sản phẩm đặc trưng, bổ trợ lẫn nhau giữa các điểm đến ASEAN.
Ông Con Apostolopoulos (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc National Geographic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông):
Khu vực ASEAN nên chú trọng tới các dòng sản phẩm thế mạnh như ẩm thực, di sản, nghệ thuật và sự lãng mạn để thu hút khách du lịch quốc tế.
Nội dung có vai trò đặc biệt quan trọng trong quảng bá du lịch, trong đó cần chú ý tới hình thức truyền tải bằng video, mạng xã hội, công nghệ hình ảnh, nội dung số… để tận dụng những tiến bộ về công nghệ trong thời đại hiện nay.
|
Tin: Khánh Trang, ảnh: Truyền Phương
|
|
|