Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 ở Hà Giang thời tiết khá thuận lợi, cùng với thời gian nghỉ kéo dài (từ ngày 2-10/2), nên tại các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt là khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã thu hút hàng ngàn du khách đến vui chơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp trong không khí ngập tràn sắc Xuân.
Cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh: TTXVN/phát)
Dọc theo Quốc lộ 4C con đường Hạnh phúc, trong những ngày đầu Xuân này, các bản làng ở Cao nguyên đá Đồng Văn được tô điểm thêm bởi những cây đào, cây mận khoe sắc trong nắng.
Du khách đến nơi đây được tận mắt chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của một vùng rừng, núi đá nơi biên cương cực Bắc của đất nước; được đứng bên cột cờ Lũng Cú - điểm cao nhất trên bản đồ Việt Nam; được thăm Cổng trời, đến với núi Đôi ở huyện Quản Bạ, thăm Khu dinh thự nhà Vương của Vua Mèo một thời, thăm phố cổ Đồng Văn; thăm đỉnh Mã Phì Lèng (huyện Mèo Vạc).
Du khách cũng sẽ có cơ hội được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Nùng, Tày, Dao, Lô Lô... trong những bản làng, những mái nhà lưng chừng núi. Hòa mình với văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số, không quên được chén rượu ngô nấu bằng men lá và sự chân thành, hiếu khách.
Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu cuối năm 2010. Với độ cao trung bình gần 1.600m so với mực nước biển, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có tổng diện tích tự nhiên 2.530km2 trải rộng trên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ đã tồn tại từ 400-600 triệu năm.
Đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách không chỉ choáng ngợp trước sự hùng vĩ của không gian, cảnh sắc, mà còn được hiểu thêm nhiều phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, công tác chuẩn bị cho dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại các điểm du lịch thuộc 11 huyện, thành phố của tỉnh đã được diễn ra chu đáo. Các chương trình và lễ hội chào đón Tết mang không khí cổ truyền dân tộc, tạo ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững.
Những năm qua du lịch Hà Giang đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, riêng năm 2018, Hà Giang đã thu hút trên 1,1 triệu lượt du khách, tăng gần 12% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt trên 270.000 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Năm 2019, tỉnh Hà Giang tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng, phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Phấn đấu năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và xây dựng Hà Giang trở thảnh một Trung tâm du lịch trọng điểm của Quốc gia trên nền tảng phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn./.