(TITC) – Vải thiều, cam, bưởi, quýt, nhãn… những loại quả được trồng thành công trên mảnh đất Lục Ngạn trù phú đã biến nơi đây trở thành một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất khu vực miền Bắc. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, vùng cây ăn quả Lục Ngạn còn đang được tỉnh Bắc Giang hướng đến liên kết với sản phẩm du lịch Tây Yên Tử theo hướng sinh thái – tâm linh.
Ảnh minh họa: Internet
Huyện Lục Ngạn có trên 27.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 15.000 ha vải thiều. Nhờ sở hữu những điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, các loại cây ăn quả được trồng tại đây đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Ngoài vải thiều – cây trồng chủ lực chính của huyện Lục Ngạn, đến nay toàn huyện còn mở rộng trồng các loại cây đặc sản từ địa phương khác như vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, cam Đường canh, cam Vinh, các loại bưởi đào Tân Lạc, Diễn, da xanh…
Cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, kỹ thuật trồng và chăm sóc của người dân đã tạo ra những sản phẩm trái cây có chất lượng thơm ngon, quả đẹp, vì vậy được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2018, tổng giá trị từ cây ăn quả huyện Lục Ngạn ước đạt 7.000 tỷ đồng. Từ một huyện miền núi trung du còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn đã vươn mình trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh, thu nhập từ cây ăn quả giúp người dân dần thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Sự đa dạng của các loài cây ăn quả đem đến Lục Ngạn một mùa thu hoạch quanh năm với những chùm quả chín mọng. Nếu như trước đây, du khách ghé thăm Lục Ngạn chỉ một thời gian ngắn khi thu hoạch vải thiều, thì nay Lục Ngạn luôn đông đúc người mua, người bán và du khách quanh năm với những vườn cam, bưởi, hồng, đào... Được biết, mùa thu hoạch trái cây Lục Ngạn bắt đầu từ tháng 5 năm trước đến tháng 3 năm sau (từ vải thiều, sau đó đến nhãn, bưởi, cam, ổi, táo…).
Nhằm khai thác hơn nữa thế mạnh từ vùng cây ăn quả, những năm gần đây tỉnh Bắc Giang đã chú trọng xây dựng các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm miệt vườn vào mùa quả chín, trong đó tập trung vào vùng cây ăn quả trọng điểm huyện Lục Ngạn. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch một số điểm phát triển du lịch miệt vườn, bố trí các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải… Lục Ngạn cũng là địa điểm thích hợp tổ chức những tour du lịch sinh thái vườn đồi kết hợp với một số điểm văn hóa tâm linh trong và ngoài huyện như Tây Yên Tử, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi, đền Từ Hả… Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn nghiệp vụ làm du lịch cho người dân địa phương.
Xây dựng tour du lịch Tây Yên Tử gắn với vùng cây ăn quả Lục Ngạn cũng là chủ đề chính tại Hội thảo diễn ra vào ngày 16/2 vừa qua tại tỉnh Bắc Giang, đây là một hoạt động quan trọng nằm trong chương trình Hội Xuân Yên Tử và Tuần Văn hóa – Du lịch Bắc Giang 2019 (được tổ chức từ ngày 14-20/2/2019).
Hội thảo đã nhấn mạnh, trong những năm tới, Bắc Giang phát triển du lịch theo hướng văn hóa – tâm linh – sinh thái, trong đó lấy Tây Yên Tử là điểm nhấn. Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn là một giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bắc Giang.
Khánh Trang