Sáng 2/3, UBND Thành phố Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch tham quan Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa).
Làng cổ Đông Sơn - ảnh: Báo Thanh Hóa
Trong khuôn khổ "Tuần văn hóa thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An" hưởng ứng lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa, sáng 2/3, UBND Thành phố Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch tham quan Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa).
Theo đó, tham gia tour du lịch tham quan Làng cổ Đông Sơn, du khách sẽ được nghiên cứu, trải nghiệm nền văn hóa Đông Sơn, thăm di tích cấp quốc gia Đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân, di chỉ khảo cổ học Đông Sơn, di tích cấp tỉnh chùa Đông Sơn, nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Lương Trọng Duệ, tản bộ dọc theo Làng cổ tham quan 4 ngõ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng.
Tuyến du lịch tham quan Làng cổ Đông Sơn được công bố sẽ phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của khu du lịch Hàm Rồng nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng, kết nối các điểm đến tạo thành tuyến du lịch tham quan đáp ứng nhu cầu của du khách, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch thành phố và tạo dựng thương hiệu du lịch thành phố.
Được biết, làng cổ Đông Sơn nằm bên sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam.
Từ đầu thế kỷ XX, tên đất, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới - Văn hóa Đông Sơn.
Không chỉ có bề dày lịch sử nghìn năm và quá trình phát triển liên tục, Làng cổ Đông Sơn gây ấn tượng cho du khách với cấu trúc theo kiểu làng thuần nông, mang sắc thái làng quê Bắc Bộ. Làng cổ Đông Sơn có trục đường chính nằm ở giữa và nhiều nhánh nhỏ rẽ vào các hướng, gọi là ngõ xóm cùng hệ thống di tích đình, chùa, miếu, mái đình, giếng nước rất đỗi thân thương. Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 315-VH/VP ngày 28-4-1962. Di chỉ có tổng diện tích theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ là 45,032ha, bao gồm khu vực núi Đông Sơn, từ núi ra đến bờ sông Mã và từ cầu Hàm Rồng vào thôn Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng). Hiện nay, các hố khảo cổ đã được lấp lại để bảo quản. Riêng hố khảo cổ trong làng Đông Sơn được giữ lại làm hố trưng bày ngoài trời phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập.