Nghệ thuật bài chòi Bắc Trung bộ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Cập nhật: 14/03/2019
Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình ngày 13/3 cho biết, địa phương sẽ đón nhận bằng UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Bắc Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 24/4 tới đây.

Một hội bài chòi ở Quảng Bình (Ảnh: báo Quảng Bình)

Để chào đón sự kiện đặc biệt này, tỉnh Quảng Bình dự kiến tổ chức Liên hoan các tổ, nhóm, đội câu lạc bộ bài chòi tỉnh Quảng Bình lần thứ I năm 2019 từ ngày 24 - 26/4, tại công viên phường Đồng Mỹ và Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Đồng Sơn (thành phố Đồng Hới) với sự tham gia của các câu lạc bộ đến từ Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới.

Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên quê hương Quảng Bình.

Theo chiều dài lịch sử, bài chòi hình thành và phát triển dọc các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, bên cạnh các điểm chung cơ bản, mỗi địa phương lại mang những nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống bản địa, từ cách trang trí chòi, không gian trình diễn, thời gian tổ chức cho đến cách hô, cách chơi.../.

Là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, bài chòi có hai hình thức chính gồm "chơi bài chòi" và "trình diễn bài chòi".

Chơi bài chòi liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán. Trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói, hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc trong những dịp riêng tư của các gia đình. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân biểu diễn bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

 

 

ĐCSVN