(TITC) – Đánh giá thực trạng hoạt động của du lịch ra nước ngoài (outbound) ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm du lịch outbound từ các quốc gia trong khu vực, những cơ hội và thách thức của du lịch outbound… là nội dung chính được chia sẻ tại Diễn đàn “Du lịch outbound – Cơ hội và thách thức” diễn ra vào sáng nay (29/3).
Toàn cảnh diễn đàn
Diễn đàn do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2019 đang diễn ra tại Hà Nội.
Diễn đàn có sự tham dự của ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Đoàn Ngọc Xuân – Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương; ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện cơ quan du lịch quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và đông đảo các doanh nghiệp du lịch.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đoàn Ngọc Xuân – Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được thành tích vượt bậc với lượng khách tăng cao, hạ tầng được đầu tư đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế. Bên cạnh đó, lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài cùng tăng trưởng liên tục, năm 2016 có 6,6 triệu lượt, đến năm 2018 đạt gần 10 triệu lượt. Du lịch, đặc biệt là du lịch ra nước ngoài đang trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng cao.
Phó Tông cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu tại diễn đàn
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, du lịch là sự cấu thành của 3 loại hình: đón khách du lịch quốc tế đến (inbound), đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound), khách du lịch nội địa. Ba loại hình này cần được cân đối để bảo đảm sự phát triển của du lịch. Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến dòng khách outbound như du lịch outbound chưa thực sự được khuyến khích và quan tâm đúng mức.
Những năm gần đây, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài bên cạnh đặt tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành thì cũng có xu hướng ưa chuộng hình thức du lịch tự túc (tự đặt vé và các dịch vụ một cách chủ động hơn), điểm đến cũng đa dạng hơn, từ các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á đến các thị trường lớn và xa hơn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Theo đánh giá của các nhà kinh tế, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng du lịch nói chung và du lịch outbound nói riêng – Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhận định.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiện Tổng cục Du lịch đang triển khai xây dựng dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi nước ngoài, sau khi được phê duyệt sẽ triển khai in ấn và phát hành trên các hãng hàng không để du khách Việt Nam tham khảo và có cách ứng xử phù hợp.
Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia nghiên cứu, cơ sở đào tạo liên quan đến các vấn đề như cấp phép và quản lý các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh hoạt động đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, điều kiện thành lập doanh nghiệp lữ hành outbound, bảo vệ quyền lợi cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài…
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động du lịch outbound đem đến nhiều lợi ích như giúp du khách Việt Nam khám phá thế giới, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, du học, nghỉ dưỡng, mua sắm… từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Diễn đàn Du lịch Outbound – Cơ hội và thách thức là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch cùng nhìn nhận, đánh giá khách quan về du lịch outbound, từ đó có những giải pháp kịp thời nhằm thúc đẩy loại hình du lịch du lịch này.
Một số góp ý của các doanh nghiệp tại diễn đàn:
Ông Nguyễn Tiến Đạt (Giám đốc Công ty Transviet Travel): Ngành Du lịch cần nhân rộng phong trào ứng xử văn minh khi du lịch ra nước ngoài, từ đó giúp xây dựng hình ảnh khách du lịch Việt Nam thân thiện, văn minh với bạn bè quốc tế.
Ông Phùng Quang Thắng (Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist): Du lịch cho người Việt Nam ra nước ngoài cần được định hướng bởi một cơ quan cụ thể, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để giám sát, định hướng hoạt động du lịch outbound, đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức du lịch outbound.
Ông Nguyễn Công Hoan (Tổng Giám đốc HanoiRedtours): Du lịch outbound ở Việt Nam cần được thừa nhận và quản lý. Quản lý là để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để người du lịch Việt Nam mua được những tour du lịch đúng chất lượng, tránh tình trạng chặt chém, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách.
|
Khánh Trang