Đây là chia sẻ của ông Ayumi Takahashi, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn này.
Ông Ayumi Takahashi, Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam - Ảnh Minh Khánh
- Sau thời gian (hơn 2 năm) Văn phòng đại diện Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam, hợp tác du lịch giữa Việt Nam – Nhật Bản đã có những tiến triển (bước tiến) gì thưa ông?
Ông Ayumi Takahashi: Với việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, chúng tôi đã có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch Việt Nam nhanh chóng và chính xác hơn.
Kết quả là, số khách Việt Nam đến Nhật Bản năm 2016 đạt 234 nghìn lượt người, năm 2017 đạt 309 nghìn lượt người, năm 2018 đạt 389 nghìn lượt người.
So với trước khi thành lập văn phòng thì con số này đã tăng khoảng 1,6 lần, vì vậy tôi nghĩ việc thành lập văn phòng đã đạt được những thành quả tốt đẹp.
Hơn nữa, tôi nghĩ rằng việc nới lỏng thủ tục Visa, tăng chuyến bay, tăng các sản phẩm giá rẻ cũng có đóng góp to lớn cho kết quả này.
Mặt khác, con số khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam trong thời gian qua liên tục gia tăng. Năm 2016 là 740 nghìn lượt người, năm 2017 là 790 nghìn lượt người và năm 2018 là 820 nghìn lượt người. Tổng số khách 2 chiều (Việt Nam đến Nhật Bản và ngược lại) cũng có những sự gia tăng rất đáng mừng. Cụ thể năm 2016 là 970 nghìn lượt người, 2017 là 1 triệu 100 nghìn lượt người và năm 2018 là 1 triệu 200 nghìn lượt người. Đặc biệt, dấu mốc vượt trên 1 triệu lượt khách vào năm 2017 là kết quả rất ấn tượng. Tôi cũng rất hy vọng rằng Tổng cục Du lịch (TCDL) Việt Nam sẽ sớm thành lập một văn phòng của cơ quan xúc tiến du lịch tại Nhật Bản.
- Hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản được thúc đẩy mạnh mẽ từ năm 2005, sau khi hai nước ra Tuyên bố chung hợp tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản và thành lập Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời tổ chức họp luân phiên tại hai nước. Ông đánh giá gì về việc hợp tác này cũng như vai trò của Tuyên bố chung hợp tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản?
Ông Ayumi Takahashi: Tôi đánh giá cao về việc hợp tác giữa ngành du lịch Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện tại đang phát triển rất tốt trên nhiều phương diện như chính trị, văn hóa chứ không chỉ có du lịch. Chúng tôi hoạt động theo phương châm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước thông qua du lịch. Tổng cục Du lịch Nhật Bản và TCDL Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về việc thu hút khách du lịch hai chiều vào tháng 3/2017 sau khi văn phòng của cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản được thành lập tại Hà Nội. Vào năm ngoái (2018) nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, phiên họp của ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản cũng đã được tổ chức tại Nhật. Tại phiên họp này chúng tôi cũng đã thống nhất về kế hoạch hoạt động chung hướng tới mục tiêu số lượng khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản và Nhật Bản đến Việt Nam đạt con số 1, 5 triệu lượt khách vào năm 2020. Để đạt được con số này thì không chỉ có chúng tôi – những cơ quan chính phủ thực hiện mà cần phải có sự vào cuộc của nhiều bên như các hãng hàng không, công ty du lịch, những tổ chức, cá nhân liên quan đến ngành du lịch phải cùng chung tay hành động. Với những ý nghĩa như vậy, tôi thấy rằng nội dung của tuyên bố chung có ý nghĩa vô cùng to lớn.
- Quan hệ hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay còn có những vướng mắc gì không thưa ông? Nếu có đề xuất thì ông muốn đề xuất điều gì?
Ông Ayumi Takahashi: Tôi thấy rằng vướng mắc lớn nhất hiện tại trong quan hệ hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay là số lượng khách du lịch quay trở lại hai bên lần thứ hai trở đi còn rất khiêm tốn. Việt Nam và Nhật Bản có khoảng cách địa lý gần nhau. Người dân của hai nước cũng có rất nhiều ấn tượng tốt về nhau, có nhiều nét văn hóa tương đồng… Vì vậy tôi mong rằng thời gian tới lượng khách du lịch quay trở lại hai bên từ lần thứ hai trở đi sẽ được cải thiện tích cực. Để thực hiện được điều này thì tôi cho rằng vai trò của việc truyền tải thông tin, quảng bá, truyền thông rất quan trọng. Nói đến Nhật Bản, người Việt Nam có lẽ cũng mới chỉ biết nhiều đến Tokyo, Osaka, Kyoto, núi Phú Sĩ… nhưng chưa biết đến những địa danh khác như Hokkaido với thiên nhiên phong phú, hay khu vực miền trung của Nhật Bản– nơi in đậm những nét văn hóa truyền thống… Đối với khách du lịch Nhật Bản cũng vậy, mọi người có lẽ cũng mới chỉ biết đến Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…mà chưa biết đến nhiều thắng cảnh, nhiều danh lam cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp khác của Việt Nam như các ruộng bậc thang ở Tây Bắc, miền sông nước bao la ở Nam Bộ…. Việc quan trọng là làm sao truyền tải được những nét du lịch, văn hóa đặc trưng của từng vùng miền đến khách du lịch của mỗi nước, có như vậy việc du khách quay trở lại từ lần thứ hai trở đi sẽ được cải thiện.
- Văn phòng của JNTO được khai trương tại Hà Nội (Việt Nam) nằm trong kế hoạch tổng thể về quảng bá du lịch Nhật ở khắp thế giới, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước Nhật lập kỷ lục đón tiếp 40 triệu lượt khách quốc tế. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch này, liệu ngành du lịch Nhật Bản có hoàn thành và vượt mục tiêu này?
Ông Ayumi Takahashi: Chính phủ Nhật Bản hiện đang đặt chỉ tiêu đến năm 2020 thu hút được 40 triệu lượt khách và năm 2030 là 60 triệu lượt khách quốc tế đến với Nhật Bản. Cùng với đó, kim ngạch tiêu dùng của khách nước ngoài tại Nhật Bản cũng đặt ra đến năm 2020 là 8 nghìn tỷ Yên và năm 2030 là 15 nghìn tỷ Yên. Năm 2018 là năm đầu tiên mà lượng khách quốc tế đến Nhật Bản có bước đột phá, vượt con số 30 triệu lượt khách (31.190.000 lượt khách). Hướngđến năm 2020, năm nay là một năm rất quan trọng. Ngành du lịch Nhật Bản cũng đang nỗ lực hết mình để đạt được kế hoạch trên thông qua các sự kiện lớn như giải bóng bầu dục quốc tế và Olympic…
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Nhật Bản cũng đã và đang tiến hành đẩy mạnh việc mở các văn phòng JNTO (Cơ quan xúc tiến du lịch của Nhật Bản tại nước ngoài). Hiện nay Nhật Bản đã có 21 văn phòng JNTO trên khắp thế giới, tăng gần 2 lần so với thời điểm 3 năm trước. Tại những nước có văn phòng JNTO này, ngành du lịch Nhật Bản sẽ triển khai đồng loạt những chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại tương ứng và phù hợp với từng quốc gia, khu vực… Tôi nghĩ rằng thông qua những hoạt động này là con đường ngắn nhất để ngành du lịch Nhật Bản đạt được con số đón 40 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.
- Nhật Bản là quốc gia phát triển. Ngành du lịch Nhật Bản cũng đã có quá trình phát triển từ lâu và đạt được nhiều thành tựu lớn. Vậy ông có chia sẻ gì với ngành du lịch Việt Nam?
Ông Ayumi Takahashi: Việt Nam là một quốc gia có sự phát triển nhanh về du lịch trong khu vực Đông Nam Á. Bản thân Nhật Bản cũng cần phải học tập những kinh nghiệm phát triển của du lịch Việt Nam. Gần đây tôi thấy Việt Nam cũng đang tập trung xây dựng các công viên chủ đề khá là hiện đại để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng với cá nhân tôi, để thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thì chúng ta cần làm sao phải quảng bá để giới thiệu được những nét đặc trưng nhất của Việt Nam. Tôi lấy ví dụ, với người Nhật Bản, khi nói đến ẩm thực Việt Nam thì chỉ biết đến món "phở" và "gỏi cuốn", nhưng chưa biết rằng người Việt Nam còn thường ăn "phở cuốn" nữa. Đối với việc cho các thực phẩm vào trong miếng bánh phở sau đó cuốn lại, vì chưa biết nên người Nhật thấy rất bất ngờ. Cần giới thiệu làm sao cho du khách được khám phá và trải nghiệm "những thứ trong đời thường nhưng lại rất riêng của người Việt Nam", để biến cái họ chưa biết thành cái biết và thích thú. Du khách sẽ rất thích thú khi được trải nghiệm về những phong tục tập quán của người dân, biết được cách thức để chế biến ra những món ăn rất ngon chỉ riêng có ở Việt Nam. Có thể với người Việt Nam, điều này là bình thường, nhưng với khách du lịch mà cụ thể với người Nhật Bản thì đây là điều rất cuốn hút. Đó là gợi ý, chia sẻ của tôi đối với công tác quảng bá, phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!