Với những ưu thế vượt trội về tiềm năng, Việt Nam có nhiều thuận lợi để đầu tư và phát triển thành công mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness). Tuy nhiên, xu hướng du lịch này chưa được định hướng bài bản cũng như khai thác tương xứng với tiềm năng ở nước ta.
Việt Nam có nhiều lợi thế vượt trội để phát triển du lịch wellness Ảnh: ALBA WELLNESS RESORT
Theo báo cáo của The Global Wellness Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu), “Wellness Tourism” đang dần trở thành lựa chọn của du khách nhằm hướng đến cuộc sống khỏe mạnh và thư thái, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm và cân bằng cảm xúc… Wellness là một trong những xu hướng có mức tăng trưởng ấn tượng trên thế giới với lượng du khách ngày càng tăng cao, mô hình trên đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng quan tâm đầu tư.
Tính đến nay, wellness đã có mặt ở hơn 100 quốc gia. Đáng chú ý, thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ được dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5% hằng năm, và đến năm 2022 ước đạt mức 919 tỉ USD, chiếm 18% tỷ trọng thị trường du lịch thế giới. Riêng ở châu Á, đã có trên 257 triệu chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe, đạt doanh thu hơn 136 tỉ USD, tạo hơn 10 triệu việc làm trực tiếp. Việt Nam là một trong 5 điểm đến của du lịch chăm sóc sức khoẻ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về xu hướng mới này, và có mức tăng trưởng cao nhất thế giới với 3,2 triệu chuyến du lịch sức khoẻ cùng mức tăng trưởng 22,8% trong giai đoạn 2015 – 2017.
Cũng theo The Global Wellness Institute, hình thức du lịch mới này đã phát triển với quy mô lớn, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn trên thế giới xem đây là thị trường tiềm năng nên đã đầu tư bài bản về chất lượng dịch vụ nhằm nâng cao sự cạnh tranh. Ông Andrew Gibson, đồng sáng lập Wellness Tourism Association chia sẻ, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đang phát triển mạnh mẽ, du lịch wellness không còn là một xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành định hướng tư duy phát triển dài hạn trong kinh doanh dịch vụ khách sạn. Đây là một hướng đi thông minh và không quá khó khăn để đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh theo xu hướng này, khi các khu nghỉ dưỡng, hay khách sạn biết tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và ưu tiên các yếu tố về sức khỏe sẽ tạo được sức hấp dẫn đối với những du khách muốn tránh xa những áp lực trong đời sống để tận hưởng cảm giác bình yên.
Với những ưu thế vượt trội về cảnh quan thiên nhiên, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng đầu tư và phát triển thành công xu hướng du lịch mới này. Chuyên trang du lịch Wego và TrustYou đánh giá, Hà Nội và Hội An là hai thành phố có nhiều yếu tố phù hợp với mong muốn du lịch wellness của du khách, đã lọt vào top 10 thành phố du lịch tốt nhất về dịch vụ wellness tại châu Á. Trong đó, Hà Nội đứng vị trí thứ 5 (chiếm 87,37% phản hồi tích cực từ du khách) được yêu thích với những con phố, hàng cây trải dài, các di tích lịch sử ẩn mình trong phố và không khí yên bình…
Tuy nhiên, hiện ngành du lịch trong nước chưa có chính sách đầu tư cụ thể và bài bản về du lịch wellness. Bà Châu Thị Hoàng Mai, Tổng Giám đốc Alba Spa Hotel & Alba Hotel nhìn nhận, khó khăn hiện nay ở nước ta là chưa có tiêu chuẩn nào về chăm sóc sức khỏe, phải trông chờ vào các chuyên gia tư vấn nước ngoài, chưa kể thiếu nhân lực trầm trọng… Đây là một mô hình du lịch khá mới mẻ, tạo ra cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp liên quan đến du lịch và khách sạn, nhưng chưa được định hướng bài bản cũng như khai thác hiệu quả tại nước ta.
Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL), không những du khách quốc tế mà cả khách nội địa cũng đang có xu hướng lựa chọn mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, do cuộc sống ngày càng áp lực, môi trường ô nhiễm nên con người cần có không gian nghỉ dưỡng, thư giãn tinh thần… Theo đó, đơn vị nào kịp đón đầu xu hướng trên thì sẽ có sức cạnh tranh cao hơn, khi mô hình du lịch này nở rộ. Trên thực tế thì khoảng hai năm gần đây, hệ thống khách sạn từ 4–5 sao trong nước đã đầu tư bài bản các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo cả phương thức truyền thống và hiện đại để du khách trải nghiệm. Thế nhưng, loại hình du lịch này còn khá mới mẻ nên chưa được đầu tư và khai thác tương xứng với tiềm năng hiện có.
Tại Diễn đàn Giám đốc điều hành khách sạn Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định, du lịch wellness hiện đang là xu hướng, nhưng trong tương lai không xa thì đây là nhu cầu của du khách chứ không còn là xu hướng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần tập trung vào phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quy hoạch bài bản, hoàn thiện chính sách phát triển sản phẩm du lịch mà cả du khách trong nước và quốc tế đang hướng đến.
Không những du khách quốc tế mà cả khách nội địa cũng đang có xu hướng lựa chọn mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, do cuộc sống ngày càng áp lực, môi trường ô nhiễm nên con người cần có không gian nghỉ dưỡng, thư giãn tinh thần… Theo đó, đơn vị nào kịp đón đầu xu hướng trên thì sẽ có sức cạnh tranh cao hơn, khi mô hình du lịch này nở rộ.
(Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch)
|
HOÀNG HẢI