Không nằm ngoài tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), ngành du lịch Việt Nam đang tận dụng sự thay đổi của công nghệ để chuyển mình mạnh mẽ. Với sự trợ giúp của các doanh nghiệp (DN) công nghệ, du lịch Việt Nam đang từng bước bắt kịp với đà phát triển của thế giới, dần hình thành hệ sinh thái du lịch phong phú và tạo lợi ích tương hỗ giữa ba bên, gồm du khách, chính quyền và DN.
Ảnh minh họa : internet
Yêu cầu ứng dụng công nghệ
Theo các chuyên gia, trước làn sóng CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu, giải pháp đột phá để tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành du lịch cần hòa mình vào xu hướng chuyển dịch số hóa để gia tăng sức cạnh tranh. Thực tế hiện nay, nhiều DN trong ngành du lịch nước ta đã thích nghi tốt với môi trường internet. Nhiều dịch vụ như bán vé máy bay, đặt khách sạn hay tour du lịch đã được triển khai rộng khắp trên môi trường mạng. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ cũng mới chỉ ở mức cơ bản, chưa khai thác và tối ưu những lợi ích từ công nghệ để gia tăng cạnh tranh, thu hút khách khi họ thậm chí chưa thật sự có ý định du lịch. Để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu của Đề án được nêu rất rõ là đến năm 2020 phải hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, DN lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và DN du lịch.
Đến năm 2025, sẽ phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, DN và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm bốn quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông - Nam Á.
Hỗ trợ từ doanh nghiệp công nghệ
Để hỗ trợ ngành du lịch số hóa nhanh và hiệu quả hơn, các DN công nghệ trong nước đã tập trung nghiên cứu, phát triển nhiều sản phẩm công nghệ dành riêng cho lĩnh vực du lịch. Ra đời năm 2017, Hệ sinh thái du lịch thông minh VNPT (VNPT Smart Tourism) được xây dựng xuất phát từ thỏa thuận hợp tác chiến lược của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng cục Du lịch Việt Nam về phối hợp xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành, kết nối thông tin với các địa phương, DN trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm công nghệ số phục vụ du khách,... VNPT Smart Tourism đáp ứng đầy đủ các quy định kết nối hệ thống quản lý của nhà nước với hệ sinh thái phong phú, bao gồm: Kho tích hợp dữ liệu du lịch, cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch trên di động, bản đồ số, hệ thống quản lý lưu trú, hệ thống phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh, phương tiện hỗ trợ thông tin du lịch. Không chỉ cung cấp các thông tin, tiện ích cho du khách, giải pháp này cũng có đầy đủ các tính năng thống kê, báo cáo dữ liệu, thông tin (về người dùng, DN, tin tức, sự kiện, hình ảnh); quản lý phản hồi, góp ý của du khách về chất lượng dịch vụ du lịch cho cơ quan quản lý chuyên ngành; quản lý chương trình khuyến mãi, đặt chỗ, quảng cáo cho các DN kinh doanh du lịch.
Để triển khai, VNPT đã bước đầu thực hiện liên thông, hình thành cơ sở dữ liệu toàn quốc về du lịch. Bên cạnh đó, một số giải pháp của VNPT cũng bắt đầu đưa các công nghệ tiên tiến như “thực tế ảo” (virtual reality - VR) vào để tăng trải nghiệm cho du khách. Đây vốn là một trong những yêu cầu đối với ngành du lịch Việt Nam vào năm 2025. Trong năm 2019 này, VNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain),… Đến nay, VNPT Smart Tourism đã có thể chủ động đáp ứng nhu cầu đặc thù, chuyên biệt của thị trường khách du lịch, hỗ trợ DN du lịch kết nối hiệu quả với các chủ thể liên quan, tạo môi trường cho cộng đồng, các DN khởi nghiệp sáng tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. VNPT đã bàn giao dự án Ứng dụng du lịch Việt Nam cho Tổng cục Du lịch Việt Nam và khai trương trang thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh tại 13 địa phương như Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Yên, Bắc Giang;... triển khai thử nghiệm tại 34 địa phương trên cả nước và đang tiếp tục được nhiều nơi khác lựa chọn.
Thái Linh