UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 1427/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Biển Vũng Tàu hút khách du lịch. Ảnh: Zing.vn
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 8.6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 1.4 triệu lượt khách), tốc độc tăng trưởng trung bình là 11 -13%/năm. Phấn đấu đến năm 2030 đón 17 triệu lượt khách có lưu trú (trong đó khách quốc tế đạt 4 triệu lượt), tốc độ tăng trưởng trung bình là 12 -14%/năm.
Tổng thu từ khách du lịch: Năm 2025, đạt 31.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn đến 2025 khoảng 30 -35%/năm. Phấn đầu đến năm 2030 đạt gần 102.000 tỷ đồng, tốc độc tăng trưởng trung bình giai đoạn 2026 -2030 khoảng 20 -25%/năm.
Số lượng buồng lưu trú: Đến năm 2025, số lượng buồng lưu trú đạt chuẩn cần có 16.000 buồng; đến năm 2030 là 20.000 buồng, trong đó tỷ lệ buồng chất lượng cao chiếm khoảng 35%.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Vốn đầu tư phát triển; cơ chế chính sách; xúc tiến và quảng bá du lịch; nguồn nhân lực; tổ chức quản lý quy hoạch và quản lý kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế về du lịch; hợp tác liên kết vùng; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch;…
Trong đó, đáng chú ý là phát triển thị trường, sản phẩm và mô hình kinh doanh du lịch, với các giải pháp như sau: xây dựng chiến lược quảng bá du lịch và triển khai chiến lược xúc tiến quảng bá tại các thị trường truyền thống. Xây dựng hệ thống các công ty, hãng lữ hành mạnh và có năng lực trong việc thu hút khách du lịch, trong đó chú trọng các hãng lữ hành quốc tế.
Tăng cường phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao tại các cụm du lịch, đặc biệt chú trọng tại các khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch Vũng Tàu. Xây dựng các khu dịch vụ vui chơi giải trí tập trung, có quy mô, tầm cỡ để thu hút rộng rãi khách du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền với tài nguyên du lịch đường sông, hồ và các khu du lịch sinh thái. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu: "Du lịch biển" thành sản phẩm đặc trưng cho du lịch của địa phương.
Ngoài ra, chú trọng phát triển mô hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay); tập trung các khu vực nông thôn, khu vực làng chài có tiềm năng tài nguyên, sinh hoạt cộng đồng, làng nghề truyền thống hoặc gần các điểm tài nguyên du lịch khác, các di tích lịch sử như tại các phường, xã trên địa bàn thị xã Phú Mỹ (vùng nông nghiệp, làng nghề); huyện Xuyên Mộc (làng chài, khu bảo tồn, núi); huyện Côn Đảo, khu du lịch quốc gia Long Hải – Phước Hải (làng chài truyền thống). Sản phẩm du lịch được tạo ra là lưu trú, sinh hoạt, trải nghiệm tại nhà dân; các món ăn truyền thống gắn liền với địa phương, tham quan làng nghề.
Bên cạnh đó, phát triển mô hình du lịch sinh thái biển, rừng; xây dựng tại các khu bảo tồn, Vườn quốc gia Côn Đảo, núi Minh Đạm, núi Dinh, khu vực ven biển, đảo, rừng ngập mặn. Sản phẩm du lịch là hệ sinh thái cho các khách du lịch chuyên nghiên cứu về hệ sinh thái, các đoàn khách thám hiểm hệ sinh thái.
Lan Anh