Lạc trôi trên “vịnh không sóng” Vân Long
Cập nhật: 28/06/2019
Đôi lần vướng phải ưu phiền của cuộc sống, người ta hay tự hỏi: Có nơi nào bán bình yên? Có đấy! Nhưng Vân Long không bán - mà chỉ trao tặng, cho đi!  

Cách Hà Nội khoảng 80 km về phía Nam, vùng "vịnh không sóng" Vân Long (thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) khiến chúng tôi "say lòng" bởi sự yên bình, thơ mộng. Giữa thiên nhiên trong trẻo ấy, tôi thấy mình như đang trôi trong miền cảm xúc yên ả, chỉ biết trầm trồ thán phục những gì mẹ thiên nhiên dành tặng vùng đất Ninh Bình.

Khu Ramsar thế giới

Sở hữu hệ sinh thái phong phú nên chẳng lúc nào đầm Vân Long ngừng thể hiện nét đẹp của mình. Tuy nhiên, thời gian tuyệt vời nhất để đến đầm Vân Long là từ giữa mùa hạ đến đầu thu. Mùa hạ, sen đua nhau bung tỏa, đổ sắc hồng, xanh lên mặt nước. Sang thu, Vân Long đẹp dịu dàng với làn nước trong phẳng lặng.

Du khách thích thú dõi theo cánh chim chiều về tổ ấm

Để trả lời câu hỏi "Vì sao nơi này được gọi là "vịnh Hạ Long không sóng" của Ninh Bình?", chúng tôi đã làm một cuộc dạo chơi trên đầm bằng chiếc thuyền mộc mạc. Tại đây, người chèo thuyền sẽ là hướng dẫn viên du lịch, kể cho bạn tên những ngọn núi, chỉ từng đám rong rêu, các loài cá, chim...

Bình yên trên đầm Vân Long

Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long có diện tích 2.736 ha, sở hữu kiểu cảnh quan hệ sinh thái đầm lầy ngập nước và thủy văn ngầm hiếm thấy. Nơi đây được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi, nhiều hang động đẹp, là nhà của nhiều loài thủy sinh, chim nước và là môi trường sống chính của voọc mông trắng.

Tháng 5 vừa qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận là khu Ramsar số 2.360 của thế giới (khu Ramsar thế giới thứ 9 của Việt Nam), đạt 5/9 tiêu chí do Công ước Ramsar đề ra, vượt hơn so với quy định tối thiểu là 1/9 tiêu chí. Khu vực này còn đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là "Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi Mèo Cào".

Nương náu chốn bình yên

Mái chèo khua vào làn nước trong veo như gương, đẩy con thuyền lênh đênh vòng quanh hẻm núi. Càng tiến sâu vào phía trong đầm, thanh âm ồn ào của cuộc sống thường ngày dần biến mất, chỉ còn tiếng rẽ nước băng qua những đám rong rêu, tiếng chim chóc trêu nhau vọng từ cây lá.

Làn nước đầm trong vắt, lộ rõ lớp rong rêu dưới đáy, phản chiếu từng đường nét mạnh mẽ của những khối núi đá vôi. Chúng tôi ung dung ngắm những núi đá sừng sững, lắng nghe muôn loài "tâm sự" giữa không gian thanh tịnh… Cứ thế, từ khung cảnh này tới khung cảnh khác, từ cảm xúc này qua cảm xúc khác, chúng tôi hoàn toàn chìm đắm trong cảnh sắc thanh bình.

Thời điểm Vân Long đẹp nhất trong ngày có lẽ vào buổi chiều tà. Thời khắc giao thoa giữa đất trời này đổ lên Vân Long một lớp màu mang tên "hoàng hôn" để những cánh chim gọi nhau bay về, để đám cỏ xào xạc đón những sợi nắng cuối ngày phản chiếu xuống mặt hồ…

Giữa khoảng không xanh của trời và nước, một mặt "gương" hiền hòa không chút gợn sóng của bão giông làm lòng người bình yên. Như một lần nào đó bạn thử buông thả những cơn gồng mình với cuộc sống bộn bề ngoài kia, để mọi thứ trôi dài theo lẽ tự nhiên mà nó vốn có. Bạn sẽ thấy nhẹ lòng.

Giữa thiên nhiên trong trẻo ấy, tôi thấy mình như đang trôi trong miền cảm xúc an yên. Hương đồng cỏ nội Vân Long khiến người ta ngất ngây và muốn trở lại thêm nhiều lần nữa, tựa như cảm giác được về với cội nguồn, úp mặt vào lòng mẹ mà đắm chìm trong hơi thở của đất trời.

Bài và ảnh: Lệ Trinh

Báo Người Lao Động