Thị xã Sơn Tây là địa phương có hệ thống di tích văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài với dày đặc các di tích lịch sử. Với những lợi thế đó, Sơn Tây đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây thông tin đến báo chí. Ảnh: Thùy Linh
Chiều 26/11, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy, UBND thị xã Sơn Tây đã thông tin đến báo chí kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn thị xã Sơn Tây.
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, thời gian qua, Sơn Tây đã luôn quan tâm phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Đến nay, thị xã có 244 di tích; 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thị xã rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
Theo ông Lê Đại Thăng, nhằm phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, thị xã Sơn Tây đã xây dựng Kế hoạch số 309/KH-UBND về “Phát triển du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2017-2020”. Theo đó điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái, dịch vụ Hồ Xuân Khanh; chỉ đạo tích cực triển khai việc xây dựng hồ sơ khoa học; khảo sát đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và đề ra phương án điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ Đường Lâm, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.
Bên cạnh đó, thị xã cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện. Tăng cường công tác xã hội hóa các dịch vụ tại điểm di tích. Duy trì hoạt động đội ngũ hướng dẫn viên, chất lượng hướng dẫn viên được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu.
Ngoài những điểm đến nổi tiếng của thị xã như: Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, khu du lịch hồ Đồng Mô, thị xã đã có thêm nhiều địa điểm thu hút đông khách tham quan như: Chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, chùa Linh Thông,…Đặc biệt là sự kết nối giữa các điểm tham quan du lịch tín ngưỡng với các nhà hàng, resort kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến địa bàn.
Với những nỗ lực xây dựng Làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch đạt chuẩn, ngày 6/9/2019, TP. Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm. Đây chính là cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện quản lý và đầu tư xâu dựng điểm du lịch làng cổ phát triển bền vững và hiệu quả trong tương lai.
Song song với phát triển du lịch, nhằm khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức trong quan hệ ứng xử, phù hợp với yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị, Đảng bộ, chính quyền thị xã Sơn Tây tích cực chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của UBND TP. Hà Nội.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn. Đến nay, toàn thị xã có 94,7% gia đình văn hóa, tăng 6% so với năm 2016, vượt 6,7 so với chỉ tiêu Chương trình đề ra. Cùng với đó, phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa có những bước phát triển quan trọng, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội; trở thành những chuẩn mực để xây dựng nếp sống, lối sống, quan hệ ứng xử cộng đồng. Đến nay, toàn thị xã 66/77 tổ dân phố văn hóa đạt 85,7%, vượt 13,7% so với chỉ tiêu đề ra; 48/66 làmg văn hóa đạt 72,7%, vượt 10,7% so với chỉ tiêu.
Ngoài ra, công tác phát triển giáo dục đào tạo,khoa học công nghệ; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội,...cũng được thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm.
Có thể thấy, với những nỗ lực của các cấp chính quyền và sự chung tay của người dân, ngành công nghiệp không khói của Sơn Tây sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trên địa bàn, đưa Sơn Tây trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.
Thùy Linh