Kinh tế về đêm – “Mỏ vàng” của ngành Du lịch Việt Nam, Kỳ 2
Cập nhật: 06/12/2019
Kỳ 2: Những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế đêm đối với ngành Du lịch
 
Không chỉ tạo ra cơ hội việc làm cho hàng triệu người, kinh tế đêm còn góp phần tăng giá trị cho nhiều ngành như bán lẻ, vận tải, dịch vụ và các ngành công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, ca nhạc, nghệ thuật trình diễn... Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm gắn với ngành Du lịch cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có phương thức quản lý hoạt động và sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.
 
Những rào cản pháp lý
 
Theo bà Ngô Hoàng Anh, Trưởng ban Truyền thông Công ty Vietrantour, với bản sắc văn hóa độc đáo, các loại hình nghệ thuật đa dạng hoàn toàn giúp Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm giải trí đêm hấp dẫn. Thời gian qua đã có nhiều địa phương quan tâm đến xây dựng, phát triển các phố đi bộ ban đêm, kèm theo đó là những dịch vụ ẩm thực, mua sắm, vui chơi... Tiêu biểu như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cao Bằng, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Tuy nhiên tại các địa phương này hầu hết chưa có quy hoạch hợp lý, công tác quản lý các dịch vụ chưa tốt nên hoạt động của các mô hình này chưa hiệu quả để hấp dẫn du khách.
 
Một vấn đề nữa mà hầu hết các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam nêu ra, đó là quy định các hoạt động vui chơi giải trí phải đóng cửa sau 23 giờ đêm để bảo đảm an ninh trật tự cho khu dân cư cũng như các vấn đề trật tự xã hội khác. Quy định này là điểm mấu chốt khiến dịch vụ, hoạt động về đêm phục vụ du khách du lịch còn thiếu, trong khi theo ước tính, lợi nhuận từ các dịch vụ về đêm chiếm tới 70% cơ cấu doanh thu. “Chúng tôi mong muốn sẽ có những quy định mới, nới lỏng giờ giấc kinh doanh, tăng tuyến và cung giờ vận hành cho các phương tiện công cộng, mở rộng quy mô và số lượng các cửa hàng tiện lợi, quán bar, vũ trường, nhà hàng ăn uống để tạo ra không gian và hệ thống tiện ích cho hoạt động giải trí đêm. Qua đó thu thêm được nguồn lợi từ loại hình giải trí đêm cho các chủ thể kinh doanh” – bà Hoàng Anh đóng góp thêm.
 
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn cho rằng, hành trình của doanh nghiệp đi đến mỗi địa phương để mở kinh tế chợ đêm tại khu du lịch rất mất thời gian, khoảng gần 3 năm.  Để kinh tế về đêm phát triển thì cần có hành lang pháp lý rõ ràng, chính sách rõ ràng về xã hội hóa du lịch để những người đầu tư phát triển du lịch thấy an tâm đầu tư.
 
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến bày tỏ, những năm qua Hà Nội đã tổ chức thí điểm các dịch vụ kinh doanh phục vụ khách du lịch ở nhiều tuyến phố, khu vực trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh những tồn tại thì chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại đó là nguồn thu cho các hộ kinh doanh đồng thời cũng tạo sức hấp dẫn riêng cho Hà Nội. Tuy nhiên, xác định xây dựng kinh tế ban đêm cần có các điều kiện kinh doanh dịch vụ, có sự quy hoạch đồng bộ, xác định khung điều kiện chung… Có như vậy, mới phát triển được các dịch vụ về đêm, góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch nhưng không bị ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
 
Sản phẩm chưa xứng tầm
 
Khảo sát thực tế tại phố đi bộ Kim Đồng (TP. Cao Bằng) cho thấy, với việc phát triển mô hình phố đi bộ ở đây gồm chuỗi các hoạt động gồm khu vui chơi của trẻ em với các trò chơi dân gian, khu trình diễn các bài thể dục, bài nhảy dành cho du khách, khu biểu diễn các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến hiện đại, khu ẩm thực…, tuy nhiên chưa được vận hành và quản lý tốt. Đơn cử như vấn đề Phố ẩm thực mặc dù đã quy hoạch, phân khu riêng nhưng dọc phố Kim Đồng vẫn có hàng loạt các quầy bán đồ nướng mọc lên san sát. Mùi đồ ăn, khói bụi từ than nướng đồ lan tỏa nồng nặc hết toàn khu phố” – chị Nguyễn Kiều Trang du khách từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ.
 
 
Hiện nay, phát triển kinh tế ban đêm đang gặp một số vấn đề do vướng mắc về quy định pháp luật, và các địa phương lo ngại việc mất an ninh trật tự - Ảnh minh họa
 
Theo Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, với nền kinh tế ban đêm, người tiêu dùng phần lớn là những người trẻ tuổi nên cần tập trung vào những hoạt động thu hút người trẻ: quán ăn đêm, trung tâm mua sắm, nhà hát, rạp phim, nhà sách, bảo tàng hay các quán bar… Kinh tế ban đêm không giản đơn chỉ gói gọn trong những hình thức như “chợ đêm” hay “nhà hàng đêm” mà ta vẫn bắt gặp trong một vài điểm đến du lịch. Để kinh tế đêm thật sự có hiệu quả, cần phải quy hoạch cả một hệ sinh thái kinh tế và văn hóa dưới sự góp sức của các cơ sở và dịch vụ hỗ trợ hoàn hảo. “Sản phẩm ban đêm là gì, tại sao cứ nghĩ sản phẩm ban đêm là nhạy cảm. Tại sao các sản phẩm văn hóa buổi tối ở Việt Nam lại ít như vậy. Ngay ở Sài Gòn, ban đêm dẫn khách đi xem các chương trình văn hóa thì kiếm thử có mấy chương trình cho khách nước ngoài xem được? Cuối cùng cũng chỉ có rối nước…”, ông Kỳ nhận xét.
 
Cần chính sách “thoáng” hơn
 
Theo góp ý của các chuyên gia kinh tế, để quản lý được các hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều cách, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như một số nước trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tạo hành lang pháp lý thống nhất về kinh tế ban đêm. Trong đó quy định rõ, khi phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó… phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, đồng thời tăng công tác quản lý nhà nước để tránh những biến tướng, tệ nạn phát sinh.
 
Kinh tế ban đêm chắc chắn không gói gọn trong chợ đêm hay phố đi bộ mà còn hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau. Vì thế, Nhà nước cần xây dựng và ban hành đồng bộ nhiều chính sách để phát triển sản phẩm du lịch đêm như quy định khung giờ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, vui chơi giải trí về đêm, khuyến khích các hộ gia đình ở những khu phố cổ, phố thương mại tổ chức các hoạt động sinh hoạt, buôn bán về đêm để hấp dẫn khách du lịch hay tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch về đêm. Để đảm bảo cho nền kinh tế ban đêm, công tác an ninh cần được tăng cường hơn ban ngày, cần có thêm các đường dây nóng cho du khách thông tin kịp thời các vấn đề an ninh trật tự. Ngoài ra, các dịch vụ giao thông công cộng cũng cần được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm.
 
Du lịch đem lại động lực cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, việc khai thác các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch vẫn còn nhiều bất cập, khiến Ngành chưa thực sự bứt phá toàn diện. Trong đó có thể kể đến những lãng phí khi các hoạt động về đêm chưa được khai thác một cách hiệu quả.
 
Đoàn Hoa - Nguyễn Nam
Báo Du Lịch