Từ bức tranh văn hóa đa sắc đến các loại hình du lịch Lào Cai
Cập nhật: 16/12/2019
Việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số là chìa khóa mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Lào Cai.

Khách du lịch tham quan mô hình homestay Indigo kiểu mẫu tại xã Tả Van. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được Lào Cai coi là chìa khóa mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phát triển du lịch Lào Cai dựa trên bức tranh văn hóa đa sắc màu

Đề án Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 khẳng định: “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững."

Đến nay, Lào Cai là một trong những tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với 26 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

"Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 45 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử-văn hóa được trùng tu, tôn tạo đúng theo quy định, trở thành điểm tham quan nổi tiếng của cả nước, như: Cụm di tích Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An; cụm di tích Đền Thượng-Đền Mẫu-Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai).

Lào Cai đã xây dựng và phát triển đội ngũ các nghệ nhân dân gian có trình độ chuyên môn hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực tri thức, văn hóa dân gian. Hiện có 19 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Nhiều nghệ nhân đã sưu tầm lưu giữ được các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã biên tập 16 chuyên mục với hơn 2.000 trang về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Tày tại địa phương. Nghệ nhân ưu tú Sần Cháng (Sa Pa) với 5 công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc Giáy, trong đó có 3 công trình đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Nghệ nhân ưu tú Tẩn Văn Siệu, dân tộc Dao (Tả Phìn) truyền dạy chữ Nôm Dao cho hàng trăm học viên, tổ chức dạy dân ca dân tộc Dao cho trẻ em gái và phụ nữ, sưu tầm bảo tồn sách cổ Dao...

Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng ban dân tộc tỉnh Lào Cai, việc bảo tồn di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bản sắc văn hóa dân tộc trở thành nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Lào Cai.

Trong khi đó, với quan điểm “Sa Pa là của cả nước," Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy Lào Cai về lãnh đạo xây dựng huyện Sa Pa Phát triển toàn diện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định “bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cải tạo phong tục, tập quân lạc hậu” là một trong những mục tiêu quan trọng của địa phương này.

Thời gian qua, du lịch tại Sa Pa đã tạo môi trường phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện như thổ cẩm, thảo được và hương liệu, làm hương, làm nến sáp ong, làm trống, chạm bạc, nghề rèn... Nhiều loại ẩm thực địa phương dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo tại các nhà hàng.

Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống được khai thác để phục vụ khách du lịch tại các cộng đồng thông qua chuỗi các lễ hội đầu Xuân mới, các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với khách du lịch. Những hoạt động trên vừa mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách đồng thời là những phương thức hữu hiệu để giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Sa Pa.

Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Du lịch quốc gia và hướng tới mang tầm quốc tế. Đặc biệt, địa phương này chuẩn bị được nâng cấp từ huyện lên thị xã, cơ hội giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng đang ngày càng rộng mở. Do đó, hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc Sa Pa cần được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai vào ngày 6/12/2017 đã nói: "Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, những con đường mà còn là văn hóa địa phương của các dân tộc anh em. Chúng ta giữ gìn văn hóa để đây là yếu tố thu hút lâu dài trên cơ sở phát triển hạ tầng, các điều kiện tương xứng với thị xã. Nếu mất đi văn hóa, Sa Pa cũng không còn nữa."

Nhiều mô hình du lịch

Lào Cai với môi trường tự nhiên đa dạng, khí hậu đặc trưng, truyền thống văn hóa độc đáo giàu bản sắc của 25 nhóm ngành dân tộc đã phát triển nhiều mô hình du lịch đặc trưng.

Các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Lào Cai đã hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng như mô hình trồng các loại hoa phục vụ phát triển du lịch (hoa lan, hoa hồng cổ, hoa đỗ quyên…); mô hình tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa), ruộng bậc thang tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát.

Tiếp đến là mô hình du lịch nông trại trồng dâu tây, nấm hương, các loại quả như lê Tai Nung, mận Bắc Hà, quýt Mường Khương hay tham quan tại trang trại nuôi cá tầm, cá hồi…

Với mô hình du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Lào Cai, du khách còn được tham gia trải nghiệm trồng cây, tìm hiểu văn hóa…

Lào Cai cũng là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số với hai mô hình thí điểm tại xã Bản Hồ và San Sả Hồ (huyện Sa Pa). Sau đó, mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng ra các xã Tả Van, Tả Phìn, Thanh Kim (huyện Sa Pa) và các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và Bát Xát…

Cho đến nay, du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã từng bước khẳng định được thương hiệu. Đặc biệt năm 2016, cụm các cơ sở homestay của huyện Bắc Hà nhận được giải thưởng homestay của ASEAN. Năm 2017, cụm homestay Tả Van Giáy 1 - thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa cũng được trao giải thưởng này.

Biểu diễn văn nghệ truyền thống phục vụ du khách tại nhà hàng Lá Dao Spa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Với mô hình du lịch cộng đồng, ngoài việc tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của người bản địa, du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân.

Tại Sa Pa, du khách được trải nghiệm sản phẩm du lịch “một ngày làm nông dân” được tận tay gặt lúa, cày ruộng hay tưới rau. Tại các điểm du lịch cộng đồng tại Bắc Hà, du khách tham gia vào hái mận, bẻ ngô…

Có thể thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương và những nghệ nhân dân gian tâm huyết cùng các chủ trương chính sách phù hợp thực tiễn đã bước đầu cho thấy hiệu quả của việc gìn giữ văn hóa truyền thống trong nhịp sống thời đại của các tộc người ở Lào Cai./.

TTXVN