Doanh nghiệp Huế đa số là nhỏ và siêu nhỏ nên việc khai thác khách du lịch trực tiếp rất khó. Việc hợp tác và sử dụng thương hiệu du lịch lớn bằng hình thức nhượng quyền được xem là giải pháp tốt để khai thác khách trực tiếp.
Doanh nghiệp trao đổi sản phẩm du lịch tại một sự kiện được tổ chức tại Huế
Cơ hội mới
Nhượng quyền trong du lịch là hình thức mà một DN mua lại thương hiệu của những công ty lớn, đã khẳng định được tên tuổi và hiệu quả kinh doanh trên thị trường. Bằng hình thức nhượng quyền, DN có thể mở chi nhánh hoặc kinh doanh độc lập ở một điểm đến nào đó mà phía DN nhượng quyền chưa thể khai thác.
Theo đánh giá của ngành du lịch, hình thức kinh doanh nhượng quyền trong du lịch đã trở nên phổ biến trên thế giới. Riêng với Việt Nam, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và gần đây ở Đà Nẵng được khai thác nhiều, đã đưa các thương hiệu du lịch nổi tiếng trên thế giới về với Việt Nam. Riêng với Huế, thời gian qua cũng đã bắt đầu có một số hợp tác mang tính “khởi động”.
Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch phân tích, với hình thức kinh doanh nhượng quyền, bên nhượng quyền sẽ cung cấp đầy đủ cách thức hoạt động, hỗ trợ tốt nhất cho thành viên mới gia nhập vào hệ thống. Phía nhượng quyền sẽ kiểm soát và trợ giúp mô hình hoạt động cho bên nhận quyền khi điều hành công việc kinh doanh. Đây chính là điểm có lợi cho người muốn nắm bắt cơ hội tham gia vào nhượng quyền trong ngành du lịch, hạn chế được những rủi ro bước đầu và cơ hội thành công cũng lớn hơn.
Khách Hàn Quốc đang đến Huế nhiều nhất nhưng chưa có doanh nghiệp Huế khai thác trực tiếp
Ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, với uy tín sẵn có từ thương hiệu nhượng quyền, cùng với đó, chuẩn chất lượng được áp dụng của DN đã có uy tín trên thị trường sẽ buộc đơn vị nhận nhượng quyền cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng. Bên cạnh đó, tính minh bạch về sản phẩm và chất lượng tour trong du lịch cũng được đảm bảo với người tiêu dùng. Ở khía cạnh khác, sẽ có sự giám sát chặt chẽ từ đơn vị nhượng quyền để quá trình kinh doanh được chuẩn hóa và chuyên nghiệp.
Vừa qua, Công ty TNHH MTV Du lịch Việt Nam Locals đã “bắt tay” với thương hiệu EuropCar, với dịch vụ cung cấp tour du lịch bằng ô tô, thuê xe du lịch có lái xe, hướng dẫn viên tại các thành phố du lịch trên toàn quốc cho du khách quốc tế đến Việt Nam. EuropCar là thương hiệu nổi tiếng ở châu Âu, thành lập tại Pháp năm 1949, có mặt tại 130 quốc gia, hiện đang thuộc Tập đoàn EuropCar Mobility Group.
Ông Lê Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Việt Nam Locals cho hay, lý do mà đối tác nhượng quyền là vì định hướng phát triển của họ là đưa khách đến khám phá văn hóa đặc sắc của điểm đến, tìm hiểu sâu về văn hóa lối sống của người dân địa phương, trải nghiệm các món ăn đặc sắc tại những điểm tham quan… rất phù hợp với nhu cầu của khách của EuropCar. Trong khi đó, xét về hiệu quả kinh doanh, việc nhượng quyền cũng giúp EuropCar giảm chi phí mở rộng thị trường.
Cần nắm rõ quy luật của “cuộc chơi”
Qua tìm hiểu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những hợp tác theo hình thức nhượng quyền đang khá thành công. Từ thực tiễn ở các địa phương này cho thấy, trong nhượng quyền, sự tín nhiệm, tin cậy và hỗ trợ để cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung mới đảm bảo cho sự hiệu quả lâu dài, đòi hỏi các bên phải minh bạch, chia sẻ thông tin, hợp tác giải quyết mọi vấn đề phát sinh dựa trên tinh thần “win-win”, hai bên cùng có lợi, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Theo ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch, nếu DN phá vỡ các quy tắc, nhất là không đáp ứng đúng các quy chuẩn từ bên cung cấp thương hiệu đề ra, sự nhượng quyền sẽ chấm dứt và đôi khi còn ảnh hưởng đến hình ảnh, nhận định về môi trường du lịch của điểm đến. Vì thế, mỗi DN cần nắm rõ quy luật của “cuộc chơi” và chuẩn bị kỹ khi tham gia nhượng quyền, trong đó có vấn đề kinh phí mua lại thương hiệu, bởi thương hiệu càng lớn, phí nhượng quyền càng cao.
Theo ông Trương Thành Minh, ở Huế, những thương hiệu lớn trên thế giới gần như không có. Nếu việc nhượng quyền được thực hiện tốt hơn, có thể xem như là hình thức để đưa những thương hiệu lớn về với Huế. Nâng cao năng lực của DN ở Huế, có thể khai thác nguồn khách trực tiếp từ đơn vị nhượng quyền, hay những đối tác từ bên ngoài thay vì phải thông qua đơn vị trung gian.
Ông Trương Thành Minh cũng cho rằng, khi mức độ cạnh tranh ngày càng cao hơn trong du lịch và thị trường cần những hãng lữ hành lớn, chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế dẫn dắt cho cả ngành du lịch, thì hình thức nhượng quyền sẽ phổ biến hơn. Việc nhượng quyền không chỉ ở chiều DN muốn mua lại thương hiệu mà ngay cả DN đã có thượng hiệu muốn chia sẻ thương hiệu cũng buộc phải mở rộng thị trường và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới ở những thị trường mới.
Nhượng quyền du lịch chính là vùng đất “màu mỡ” mà những người muốn kinh doanh, nhất là những DN muốn khởi nghiệp. Tuy mô hình nhượng quyền thương hiệu không mới, nhưng luôn đòi hỏi DN cần nắm bắt những xu hướng, quy định của pháp luật để tận dụng hiệu quả mô hình nhượng quyền, điều đang rất cần để nâng tầm thương hiệu du lịch Huế.
Bài, ảnh: Quang Sang