Năm 2019, du lịch Hà Nội phát triển nhất từ trước đến nay, đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế (tăng 17% so với năm 2018). Bên cạnh đó, với việc giành nhiều giải thưởng du lịch danh giá, du lịch Thủ đô đang gây ấn tượng mạnh mẽ trong bức tranh tổng thể chung của du lịch Việt Nam.
Ấn tượng từ những con số
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2019, Hà Nội đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế là hơn 7 triệu lượt, tăng 17% so với năm trước; khách du lịch nội địa đạt gần 22 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 103.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Đây là bước phát triển tốt nhất của du lịch Thủ đô từ trước đến nay.
Du lịch Thủ đô đã đạt con số phát triển mạnh nhất từ trước đến nay với 29 triệu lượt khách. Ảnh minh họa
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, năm 2019, nhiều sự kiện quan trọng diễn ra tại Hà Nội và cả nước, đây là cơ hội để ngành Du lịch Thủ đô tạo nhiều dấu ấn cho bạn bè trong nước và quốc tế, điển hình như Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2; Đại lễ Phật đản Vesak; các hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao với các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 3.499 cơ sở lưu trú du lịch. Số cơ sở lưu trú được xếp hạng là 572, trong đó có 66 khách sạn được xếp hạng từ 3-5 sao, 8 khu căn hộ du lịch cao cấp từ 4-5 sao, 222 cơ sở đã được xếp hạng sao còn hạn quyết định.
“Việc các cơ sở lưu trú nâng cấp chất lượng dịch vụ, trong đó có nhiều cơ sở đạt chuẩn “sao” quốc tế, thêm khẳng định, Hà Nội là điểm đến uy tín, hấp dẫn có thể đáp ứng nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước”, ông Trần Đức Hải nhận định.
Tiếp nối những thành quả đã đạt được từ những năm trước, năm 2019, du lịch Thủ đô nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức du lịch uy tín quốc tế. Đầu năm 2019, Hà Nội được xếp thứ tư trong danh sách 25 điểm đến hàng đầu thế giới của trang TripAdvisor.
Cuối tháng 3-2019, tờ Business Insider tiếp tục xếp Hà Nội thứ 15 trong 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2019. Đến tháng 9, Hà Nội vinh dự là 1/19 ứng cử viên hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2019” (World’s Leading City Destination) do World Travel Awards (WTA) đề cử.
Tại lễ vinh danh và trao Giải thưởng du lịch Việt Nam - 2019, một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội được trao giải, như: Công ty cổ phần Hanoi Redtours, Công ty cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư Hà Nội, Công ty Vietrantour, Công ty Du lịch Vietsense, Công ty Lữ hành Hanoitourist, khách sạn Metropole Hà Nội… “Đó là những thành quả đáng khích lệ để du lịch Thủ đô tiếp tục chiến lược phát triển tốt hơn trong những năm tới”, ông Trần Đức Hải nói.
Dấu ấn từ những điểm đến
Những thành tựu mà ngành Du lịch Hà Nội đạt được trong năm 2019 có dấu ấn khá rõ của các điểm đến về du lịch, văn hóa trên địa bàn.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đánh giá, Hà Nội có tiềm năng di sản, di tích đồ sộ, trong đó có nhiều điểm đến truyền thống luôn có sự đổi mới mô hình hoạt động như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… Hiện nay, những điểm đến này đã sử dụng ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động với 8 ngôn ngữ; 60/200 điểm du lịch của Hà Nội có hệ thống wifi miễn phí…
Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón gần 32 triệu du khách trong năm 2020.
Theo ông Phùng Quang Thắng, các điểm đến của Hà Nội tiếp tục gây ấn tượng thông qua nhiều sự kiện văn hóa, du lịch hấp dẫn được tổ chức thường xuyên. Cụ thể, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trong 3 năm hoạt động thí điểm, có đến 410 sự kiện văn hóa được tổ chức; khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra hơn 40 sự kiện văn hóa trong năm 2019; di tích Hoàng thành Thăng Long tổ chức hàng chục sự kiện văn hóa, trong đó không thể thiếu những hoạt động gắn với giáo dục di sản…
Cùng với xu hướng du lịch thế giới, du lịch Thủ đô cũng đi đầu trong việc thực hiện du lịch xanh, du lịch không khói thuốc, hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa… Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, từ lâu nay, hệ thống dịch vụ tại Văn Miếu đã được đồng bộ, từ các thùng rác thân thiện cho đến việc lắp đặt những máy uống nước tự động để hạn chế du khách dùng chai nước nhựa.
Bà Hoàng My, đại diện truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng cho hay, nhiều năm nay, di tích này sử dụng những túi gói quà bằng giấy thay thế cho túi ni lông. Từ tháng 10-2019, quận Hoàn Kiếm đã triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” tại 30 điểm di tích, văn hóa, tạo nên hình ảnh đẹp với người dân và du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, một trong những thành công của du lịch Thủ đô trong năm 2019, đó là việc quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Thủ đô mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo đánh giá của Sở Du lịch Hà Nội, việc quảng bá trên kênh truyền hình CNN góp phần giúp lượng khách đến Hà Nội gia tăng trong thời gian qua. Bình quân trong hai năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng khoảng 16-20%. Ngoài ra, việc tăng cường liên kết du lịch với nhiều tỉnh, thành phố đã giúp cho việc quảng bá du lịch Thủ đô thêm sức lan tỏa.
Bước sang năm 2020, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, đăng cai sự kiện thể thao quốc tế - Giải đua xe công thức 1 cùng nhiều hoạt động ngoại giao lớn… Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức để ngành Du lịch Thủ đô có những bước phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngành Du lịch Thủ đô đã đặt ra mục tiêu, năm 2020 sẽ đón gần 32 triệu lượt khách, trong đó có hơn 8,2 triệu khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 116.000 tỷ đồng… “Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch Thủ đô cần nỗ lực nâng cao chất lượng các cơ sở dịch vụ, điểm đến, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo đặc trưng của Thủ đô hơn nữa”, ông Trần Đức Hải nhận định.
Hoàng Lân