Những kết quả ấn tượng gần đây giúp du lịch Thủ đô tiếp tục là điểm sáng trong các ngành, lĩnh vực của thành phố, giữ vững vị thế điểm sáng của ngành Du lịch cả nước. Dù vậy, vẫn cần thêm nhiều giải pháp duy trì thành quả để trong năm 2020 du lịch Thủ đô tiếp tục phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám - điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Nhật Nam
Khẳng định thương hiệu điểm đến hấp dẫn
Kết thúc năm 2019, du lịch Hà Nội đã hoàn thành vượt mức hàng loạt chỉ tiêu quan trọng. Gần 29 triệu lượt khách tới Hà Nội, tăng 10,1% so với năm 2018, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gần 22 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018… Hành trình của du lịch Hà Nội trong giai đoạn 2016-2019 cũng gắn với các danh hiệu, đánh giá, bình chọn, đề cử của các tổ chức quốc tế uy tín. Trong hai năm 2018, 2019 Hà Nội đều được đưa vào danh sách bình chọn hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới” của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA). Đầu năm 2019, Hà Nội xếp hạng 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang đánh giá du lịch TripAdvisor…
Sức hấp dẫn của Hà Nội đã được du khách người Pháp Lionel Tighlit đánh giá cao: "Hà Nội có nhiều nét hấp dẫn từ phố cổ, làng cổ, điểm đến thiên nhiên cho đến ẩm thực tại khu phố cổ... Bên cạnh đó, một lợi thế của Hà Nội là có các điểm đến phụ cận, như Ninh Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũng gây ấn tượng mạnh".
Chung nhận định, anh Nguyễn Khắc Vinh, ở Cần Thơ cho biết, cuối tháng 12-2019, anh cùng gia đình tới Hà Nội để khám phá khu phố cổ, thăm làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng... "Đúng là Hà Nội có những nét riêng, không trộn lẫn. Điều đó giải thích vì sao Hà Nội lại hấp dẫn du khách đến vậy", anh Nguyễn Khắc Vinh nói.
Hà Nội khẳng định vị thế, thương hiệu của một điểm đến du lịch hấp dẫn, bắt nguồn từ định hướng lấy con người làm vai trò trung tâm để nâng cao chất lượng, dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Làm rõ điều này, ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: "Chính các nhà trường, cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch đã chuyển mình trong công tác đào tạo, tuyển sinh. Như Khoa Du lịch học hiện tại chỉ tuyển sinh khối thi có môn ngoại ngữ để bảo đảm đầu ra là những cử nhân có trình độ ngoại ngữ tốt”.
Còn ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist thông tin: “Gần đây, Hội Lữ hành Hà Nội mở nhiều khóa học về tiếp cận khách hàng bằng các ứng dụng công nghệ hiện đại để theo kịp xu hướng của thế giới”.
Dưới góc độ quản lý, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, số lượng lao động trực tiếp ngành Du lịch qua đào tạo vào năm 2016 mới chỉ đạt tỷ lệ 62%, nhưng đến năm 2019 tỷ lệ này đã đạt 90%. Du lịch đang đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Du khách quốc tế trải nghiệm du lịch Hà Nội bằng xích lô. Ảnh: Nhật Nam
Tiếp tục nâng cao vị thế
Có thể nói, những bước tiến vững chắc của du lịch Hà Nội trong thời gian qua đã đặt ra nhiều cột mốc mới cần chinh phục, như đón 31,89 triệu lượt khách du lịch, đạt tổng thu 116,76 nghìn tỷ đồng vào năm 2020. Tất nhiên, không dễ để hoàn thành mục tiêu này khi du lịch Hà Nội còn đối mặt nhiều khó khăn, hạn chế. Như Sở Du lịch Hà Nội nhận định: Hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại còn hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp...
Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, để tiếp tục duy trì vị thế điểm sáng du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Thủ đô cần triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến tại các thị trường trọng điểm ngay từ đầu năm, huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. "Hiện công ty đã có kế hoạch phối hợp với một số cơ sở đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội trong việc đào tạo sinh viên hướng tới một số tuyến, điểm nhất định thay vì nhiều tuyến nhưng không chuyên sâu" - ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để nâng chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch, đáp ứng yêu cầu mới, Sở đã chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch đến Hà Nội. Ngoài ra, tại các điểm đến du lịch cũng sẽ duy trì đào tạo và đào tạo lại kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng đã yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội cần tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá, trong đó tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch, từ việc thực hiện hiệu quả chương trình quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế CNN đến việc triển khai đề án du lịch thông minh khi được thành phố phê duyệt… Sở Du lịch Hà Nội cần tiếp tục thể hiện vai trò kết nối hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.
Rõ ràng, duy trì và nâng cao vị thế vẫn là bài toán đầy thách thức với du lịch Thủ đô. Nhưng những bước đi trong thời gian qua đã cho thấy những tín hiệu tích cực thúc đẩy du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô trong năm 2020.
Minh An