Festival Tết Việt không chỉ là lễ hội Tết
Cập nhật: 21/01/2020
Chào đón Xuân mới, Tết Festival - 2020 do Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức tại công viên Lê Văn Tám từ ngày (3- 5/01/2020). Festival Tết Việt có 5 hoạt động chính là Xem Tết, Lễ Tết, Chơi Tết, Chợ Tết và Ăn Tết, được chuyển tải trong 80 gian hàng. Đặc biệt trong Festival Tết Việt 2020 có 3 ngôi nhà cổ được dùng để trưng bày không gian Tết của 3 miền đất nước.

Tái hiện tục “xin chữ” Festival Tết Việt 2020

Festival mang sứ mệnh lan tỏa Văn hóa Việt

Lần đầu tiên sau 2 năm hoạt động, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã phối hợp với Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh trình làng một sự kiện mang ý nghĩa truyền thống của người dân nước Việt, đó là Tết của người Việt Nam. Cái Tết của người Việt Nam đã có từ ngàn đời nay, trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nhưng truyền thống Tết Việt vẫn in đậm dấu trong đời sống kinh tế, xã hội của cả dân tộc. Dù đi đâu, ở đâu, thì 3 ngày Tết Nguyên đán mở đầu cho một năm mới, mọi người đều hướng về quê hương, cội nguồn của mình với tất cả tình cảm thiêng liêng, trân trọng nhất…

Trong thời đại ngày nay, ý nghĩa và không gian Tết Việt đã có dấu hiệu bị thu hẹp. Do vậy, Festival Tết Việt với sứ mệnh truyền đi thông điệp cho các thế hệ hôm nay và mai sau về văn hóa truyền thống trong hành trang vào đời của mỗi con người Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Tết Festival 2020 có 5 hoạt động chính là: Xem Tết, Lễ Tết, Chơi Tết, Chợ Tết và Ăn Tết được các nghệ sỹ, nghệ nhân thể thiện qua các câu chuyện kể giản dị, dễ hiểu và sinh động.

Xem Tết: không gian gia đình ngày Tết của ba miền Bắc, Trung, Nam được tái hiện trong các ngôi nhà cổ, gồm những không gian tưởng nhớ và thờ cúng tổ tiên trong tâm thức của người Việt. Bên cạnh đó là phần biểu diễn các màn múa Lân, võ thuật Vovinam và ảo thuật cùng các tiết mục nghệ thuật chào đón Tết tại sân khấu chính của Lễ hội tạo nên không khí rộn ràng đón Xuân.

Lễ Tết: tái hiện các nghi lễ quan trọng của ngày Tết cổ truyền nhằm truyền cảm hứng và nâng cao giá trị gia đình được sân khấu hóa như Lễ dựng cây nêu, Lễ cúng tổ tiên, Lễ đón Giao thừa, câu chuyện Lang Liêu và sự tích bánh chưng bánh giầy vào ngày đầu năm. Các nghi thức được tái hiện một cách hấp dẫn và được giải thích cho người xem một cách dễ hiểu để tạo thêm thêm kiêu hãnh, tự hào văn hóa dân tộc.

Chơi Tết: các trò chơi dân gian ngày Tết như kéo co, ném lon, ném vòng, bịt mắt đập niêu… tạo cơ hội cho mọi người dự Lễ hội đều có thể tham gia. Các hoạt động cộng đồng như hò Giã gạo, hô bài Chòi cùng với các nghệ nhân dân gian diễn ra rất sinh động. Ngoài ra là các trải nghiệm gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết, gói bánh cùng người nổi tiếng dành cho thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, du khách cùng tham gia tìm hiểu và trải nghiệm…

Chợ Tết: các đặc sản ngày Tết của các vùng miền được bày bán trong lễ hội qua gần 50 gian hàng theo hình thức chợ phiên ngày Tết. Đến đây, người tham dự Lễ hội được cảm thụ không khí nhộn nhịp của ngày Tết và mua sắm những đặc sản chuẩn bị Tết cho gia đình.

Ăn Tết: hàng trăm món ăn đặc sắc mang hương vị Tết ở mỗi vùng được trình diễn, chào mời thực khách thưởng thức tại các gian hàng của ba miền Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra là triển lãm mâm cỗ Tết trong không gian nhà Việt, công việc trang trí ngày Tết cổ truyền.v.v. Ngoài ra, không gian Festival Tết còn có các món phở xưa Nam Định, bánh khoái Huế, cá ngừ Phú Yên, cuốn chả miền Trung dài 10m do công chúng tham gia thực hiện tại chỗ, gỏi bưởi Sài Gòn và nem Cung đình Huế… Festival Tết Việt đã được nâng tầm qua lối diễn xướng, kể chuyện giản dị và truyền cảm, dễ hiểu, hấp dẫn về phong tục, tập tục trong Tết cổ truyền Việt Nam qua các câu chuyện được trình diễn, sân khấu hóa, qua trải nghiệm món ăn mang hương vị đặc trưng của Tết, qua các trò chơi Tết thực tế, dễ gần, bất kỳ ai cũng hiểu, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài.

Cuộc sống hiện đại hôm nay đối với nhiều người, nhiều gia đình Tết cổ truyền đã giảm đi yếu tố thiêng liêng, trọng yếu. Vì vậy Festival Tết được khắc họa rõ nét trong chương trình Hội với những trải nghiệm thú vị cho mọi người, nhất là trẻ em hôm nay háo hức Tết, nhưng hiểu về Tết còn mông lung, xa vời. Với những câu chuyện kể lại về phong tục Việt Nam trong Tết cổ truyền như lễ cúng tất niên; cúng giao thừa và các nghi lễ cúng tế trong mấy ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Người đến dự Festival còn hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết và các nghi thức trong những ngày lễ tết cũng như ý nghĩa của lễ dâng hương cầu nguyện ngưỡng vọng ông bà, lễ cúng giao thừa, câu chuyện Lang Liêu gắn với sự tích bánh chưng bánh giầy, cho đến câu chuyện thú vị của cây nêu ngày Tết…

Festival Tết Việt 2020 hướng đến phát triển du lịch

Năm đầu tiên Lễ hội đã kể lại câu chuyện Tết cổ truyền với hy vọng tạo nên bước đột phá khi nói về một phong tục truyền thống, nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Đã có hàng chục nghìn lượt khách đến tham gia, tìm hiểu nguồn cội của Tết Việt thông qua Festival Tết Việt 2020 này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức Festival Tết Việt cho biết, Festival Tết Việt 2020 là điểm khởi đầu của các hoạt động mà Hiệp hội sẽ triển khai thực hiên trong thời gian tới, nhằm tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống và nền ẩm thực phong phú của Việt Nam. Hướng tới việc đồng hành với ngành Du lịch thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam nói chung và Tp. HCM nói riêng qua những lễ hội văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm thực tế.

Festival Tết 2020 mang dấu ấn đậm nét về truyền thống văn hóa dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa thiết thực giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ người Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc. Càng có ý nghĩa hơn đối với kiều bào của ta đang sinh sống ở các nước, dịp Xuân này trở về Việt Nam được tận hưởng không gian Tết Việt thực thụ. Festival Tết Việt sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến với Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, từng bước trở thành thương hiệu Văn hóa Ẩm thực của Việt Nam mỗi độ Tết đến Xuân về.

Gia Hưng

Báo Du lịch