Tiếp tục phát huy giá trị di tích các khu di tích quốc gia đặc biệt (DTQGĐB), những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, tôn tạo gắn với các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa, lễ hội, xúc tiến quảng bá đã tạo ra được sản phẩm du lịch mới với dấu ấn sâu đậm, sức lan tỏa rộng, góp phần phát triển du lịch gắn với DTQGĐB.
Khách du lịch tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng).
Giám đốc Ban Quản lý các DTQGĐB tỉnh Đào Văn Mùi cho biết: Cao Bằng có 3 khu DTQGĐB, việc bảo tồn và phát huy các giá trị DTQGĐB trong những năm qua đạt nhiều kết quả tốt. Năm 2019, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích đã triển khai đồng bộ công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, tuyên truyền phát huy các giá trị DTQGĐB gắn với phát triển du lịch.
Các khu DTQGĐB được đầu tư trang bị cơ sở vật chất, nhân lực, tạo cảnh quan mới, bố trí điều kiện thiết bị phục vụ công tác đón tiếp khách trang trọng, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện nay. Đến các khu DTQGĐB, khách du lịch bước vào không gian mới vừa hiện đại, vừa nổi bật văn hóa, lịch sử truyền thống và cũng có nét riêng biệt.
Tại Khu DTQGĐB Pác Bó, barie được lắp đặt tự động, hệ thống camera giám sát hỗ trợ bảo đảm công tác an ninh trật tự. Bước vào cụm di tích trung tâm là đường hoa hồng Pác Bó “Pác Bo’s Rose”. Điểm Km 00 đường Hồ Chí Minh, trong khuôn viên khang trang được bố trí nhiều chậu hoa, các loài hoa treo giỏ xen lẫn hoa giấy xếp thành không gian thẩm mỹ đẹp mắt cho du khách chụp ảnh.
Đầu sân trung tâm lối lên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo khuôn viên bản đồ Việt Nam hình chữ S trồng hoa mười giờ, cúc vạn thọ, hướng dương, ngũ sắc, dạ yến thảo… bằng các kệ hoa xen lẫn chậu hoa tạo cảnh quan tươi mới, hoa nở rực rỡ bốn mùa. Đường đi bộ lên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hàng cây xanh luôn được phát quang, uốn lượn theo thế núi tạo bóng cây xanh cho lối đi bộ hài hòa trong cảnh thiên nhiên xanh mướt.
Hệ thống ô tô điện được đầu tư để đưa đón du khách thuận lợi từ điểm đầu Km 00 đi vào bản Pác Bó và khuôn viên ngã ba lán Khuổi Nặm, suối Lê-nin. Ban Quản lý vận động nguồn xã hội hóa, tuyên truyền, vận động bà con xóm Pác Bó phát quang hai bên đường đi, vệ sinh sạch sẽ và làm hàng rào trúc, tre ven đường, vườn gần lối đi tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Chị Nguyễn Thu Huyền, du khách Hà Nội bày tỏ: Với tôi, Khu DTQGĐB Pác Bó để lại nhiều ấn tượng khó phai. Khi đến tham quan nơi đây, tôi hiểu hơn về công lao vĩ đại của Bác Hồ với công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như trong bức tranh nhiều màu sắc.
Đến Khu DTQGĐB rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), nhiều hạng mục được đầu tư, tôn tạo, xây mới gồm: Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; chòi quan sát trên đỉnh Slam Cao; Nhà trưng bày bảo tàng 3D Khu di tích; lán trại 34 chiến sĩ; Nhà chờ khu dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp; bức phù điêu 34 chiến sĩ; cắm biển di tích gắn với Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng...
Đường từ điểm đầu vào Khu di tích đến khuôn viên Nhà trưng bày và Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng nhiều hàng hoa, trồng giỏ, bồn hoa treo với nhiều mô hình, tiểu cảnh màu sắc rực rỡ bốn mùa xen lẫn hàng cây xanh tạo nên cảnh vừa tươi sắc, thơ mộng giữa núi non hùng vĩ của rừng Trần Hưng Đạo.
Khu DTQGĐB địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An đã tiến hành chỉnh trang khuôn viên Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gắn chân cột cờ tai đường vào di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950 và đường vào Di tích núi Báo Đông.
Cùng với đầu tư, tôn tạo các hạng mục, tạo cảnh quan đẹp tại các khu DTQGĐB, Ban Quản lý thực hiện tốt quản lý kinh doanh dịch vụ, tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động dịch vụ bán hàng đúng giá, không lấn chiếm hành lang, giữ gìn vệ sinh môi trường… thể hiện văn minh, lịch sự nơi du lịch, thực hiện mỗi người dân là một tuyên truyền viên du lịch tại điểm di tích.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá về các khu DTQGĐB được đổi mới, đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú đến du khách trong và ngoài nước. Ngành chức năng đã đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn về kỹ năng giao tiếp, nghiên cứu tư liệu, kỹ năng xử lý tình huống, đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương, tham quan…
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa vừa giáo dục truyền thống cội nguồn cách mạng, vừa đẩy mạnh quảng bá du lịch địa phương đến du khách gần xa. Ban Quản lý phối hợp với UBND huyện Hà Quảng tổ chức “Lễ hội về nguồn Pác Bó” tạo được hiệu ứng, lan tỏa trong xã hội.
Anh Trần Văn Hùng, du khách tỉnh Quảng Ninh đến tham quan đúng ngày tổ chức “Lễ hội về nguồn Pác Bó” năm 2019, phấn khởi cho biết: Tôi đến tham quan Khu DTQGĐB Pác Bó, được hòa mình vào lễ hội xem bà con thi làm khẩu sli, làm hương, xem thi chọi bò..., thưởng thức ẩm thực bản địa dân tộc Tày, Nùng nơi đây và rất ấn tượng. Khi về tôi đã giới thiệu cho bạn bè, người thân đến Cao Bằng du lịch, tham quan Khu DTQGĐB Pác Bó và tham dự lễ hội vào dịp đầu năm thật ý nghĩa.
Ban Quản lý các DTQGĐB tỉnh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển khai xây dựng và lắp đặt hệ thống tham quan 3D về “Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo” để giới thiệu sinh động về di tích lịch sử quan trọng, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giới thiệu, quảng bá các khu DTQGĐB trên các trang web du lịch trong nước và thế giới để du khách trong nước, quốc tế nắm được thông tin cần thiết trước khi đến tham quan 3 khu DTQGĐB của tỉnh.
Giáo sư Ibrahim Komoo, Phó Chủ tịch, Điều phối viên mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO nhận định: Khu DTQGĐB rừng Trần Hưng Đạo là điểm đến quan trọng của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tôi rất hài lòng khi đến tham quan nơi đây bởi làm tốt công tác giáo dục, truyền thông bảo vệ di sản trong Công viên địa chất toàn cầu, dễ đi vào lòng người. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân và du khách nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, các giá trị di sản Công viên địa chất được tốt hơn. Khu di tích này là mô hình điểm để tôi giới thiệu với các nước có Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đến học tập.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo hạ tầng cơ sở di tích, cải tiến cách quản lý và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, năm 2019, cả 3 khu DTQGĐB của tỉnh đón 264.000 lượt khách đến tham quan, trong đó có 2.833 lượt khách quốc tế, tăng 57% so với năm 2018.
Hiệu quả những bước đổi mới về đầu tư, quản lý các khu DTQGĐB là cơ sở để năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục kêu gọi đầu tư các khu DTQGĐB, không ngừng nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh dịch vụ, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch. Góp phần tích cực thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế; đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước.
Trường Hà