Hà Nội: Làng lụa hút khách nước ngoài
Cập nhật: 12/02/2020
Cùng với sản xuất kinh doanh, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội) còn kết hợp với hoạt động du lịch, dịch vụ, thu hút nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, mua sắm sản phẩm lụa truyền thống...

Mới đầu buổi sáng, dọc hai bên phố Lụa, những cửa hiệu san sát đã mở cửa. Con đường nối từ cổng làng Vạn Phúc vào khu buôn bán ngày một đông vui nhộn nhịp hơn khi nhiều đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu, tham quan các sản phẩm lụa. Tại khu trung tâm, những tấm lụa rực rỡ sắc màu thu hút rất đông khách. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm lụa mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu du khách.

Đoàn khách đến từ Argentina gồm 6 người đang chiêm ngưỡng những chiếc túi xách được làm từ lụa Vạn Phúc với nhiều hoa văn đẹp mắt. Các du khách nước ngoài bày tỏ ngưỡng mộ trước tài hoa của những người thợ dệt Vạn Phúc đã tạo ra những sản phẩm hết sức tinh tế. Thông qua người phiên dịch của đoàn, bà Enelia (72 tuổi) là luật sư đã nghỉ hưu, nói: “Tôi nghe danh tiếng về lụa Vạn Phúc từ lâu, nay mới có cơ hội sang Việt Nam để chiêm ngưỡng. Đã đi nhiều nơi, nhìn ngắm nhiều loại lụa khác nhau nhưng khi xem lụa Vạn Phúc tôi rất bất ngờ. Sản phẩm đẹp mắt, tinh tế, giá cả hợp lý. Khi về nước tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè sang tham quan mua sắm lụa Vạn Phúc”.

Đoàn du khách Argentina tham quan các sản phẩm làm từ lụa truyền thống Vạn Phúc.

Có mặt tại Trung tâm Phát triển lụa Vạn Phúc, các du khách chăm chú theo dõi quy trình để sản xuất ra một sản phẩm lụa truyền thống. Để thành phẩm, người thợ phải rất kỳ công từ việc ươm tơ, se sợi, guồng tơ, mắc cửi, dệt lụa, nhuộm màu. Được bà Lê Thị Kim Thư, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc giới thiệu về quá trình dệt lụa, đoàn du khách Pháp hết sức ngỡ ngàng trước sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ, công phu của người thợ dệt. Không chỉ làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt mà lụa Vạn Phúc còn đa dạng mẫu mã, hoa văn phong phú. “Sản phẩm lụa Vạn Phúc rất đa dạng, chất liệu bền đẹp, màu sắc trang nhã. Tôi đã sử dụng thử sản phẩm lụa Vạn Phúc và rất ưng ý. Chất liệu lụa ở đây rất phù hợp với ngành công nghiệp thời trang ở nước tôi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm hiểu và đưa lụa vào thiết kế các mẫu trang phục tạo nét mới lạ trong việc kết hợp các chất liệu Đông-Tây”, bà Emilie (42 tuổi), nhà thiết kế đến từ Pháp cho biết.

Với những ai yêu lụa Vạn Phúc khi về nơi đây như được trở lại cội nguồn với nhiều nét xưa cũ. Bao đời nay lụa Vạn Phúc vẫn chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, vẫn do bàn tay của người lao động tạo nên. Điều đáng quý là các sản phẩm ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Ông Nicolas Varkozo, 64 tuổi, du khách Pháp tâm sự: “Mẹ tôi là người Việt. Bà theo ba tôi sang Pháp học tập. Trong gia sản của bà có một chiếc áo dài lụa. Ngày trước, vào những dịp trọng đại, tôi vẫn thường thấy bà diện mặc. Khi bà về cõi vĩnh hằng thì chiếc áo cũng không còn. Nay trở về thăm làng lụa Vạn Phúc, tôi lại nhớ về mẹ tôi với kỷ vật của một thời trẻ tuổi”.

Hiện tại, Vạn Phúc có 30 cơ sở, doanh nghiệp và hơn 200 hộ gia đình sản xuất với gần 250 máy dệt hoạt động. Đến đây, du khách còn được tham quan mua sắm tại 150 cửa hàng kinh doanh sản phẩm dịch vụ thương mại. Mỗi cửa hàng trưng bày nhiều sản phẩm khác nhau. Ngoài kinh doanh đơn thuần, một số doanh nghiệp, như: Cơ sở sản xuất kinh doanh Triệu Văn Mão, Công ty Cổ phần Phát triển lụa Vạn Phúc... còn kết hợp mô hình sản xuất, kinh doanh, du lịch, giúp du khách quốc tế trực tiếp tham quan quy trình làm ra sản phẩm, thấy được giá trị chất lượng của lụa Vạn Phúc để lựa chọn mua sắm.

Vạn Phúc là một làng nghề lụa truyền thống không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn gắn kết với du lịch, dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, cho biết: “Nhờ tổ chức tốt hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề, năm vừa qua Vạn Phúc có hàng nghìn lượt khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Địa phương tiếp tục duy trì ổn định hoạt động kinh doanh tại khu vực phố Lụa, đồng thời liên kết với các công ty lữ hành tạo sự liên kết tuyến du lịch, thu hút nhiều khách hàng quốc tế đến tham quan, mua sắm. Cùng với đó, Vạn Phúc chú trọng các hoạt động trao đổi xúc tiến thương mại, tổ chức tuần văn hóa-du lịch làng nghề, tiếp tục nghiên cứu, khôi phục các sản phẩm truyền thống, tạo các điểm tham quan tin cậy cho khách hàng. Những đoàn khách ngoại quốc đến đây sẽ là những “sứ giả” văn hóa, góp phần quảng bá thương hiệu lụa Vạn Phúc vươn xa trên thị trường quốc tế”.

 

Bài và ảnh: Thư Ngọc

Báo Quân đội nhân dân