Hiệu quả hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú, vận chuyển… đều đồng loạt sụt giảm, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra.
Khi dịch COVID-19 lan tới Việt Nam, ngành du lịch là một trong những ngành chịu nhiều tác động trực tiếp. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay ở nhiều địa phương, lượng khách giảm khoảng 20-30%, thậm chí có nơi giảm tới 60-70%. Tình trạng khách hủy tour, hủy chỗ, hủy dịch vụ diễn ra rất phổ biến.
Bên cạnh sự sụt giảm nặng nề của lượng khách Trung Quốc vốn chiếm tới 30% cơ cấu khách quốc tế, dịch bệnh còn khiến các thị trường khách quốc tế khác e ngại khi đến với khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, trong khi lượng khách du lịch trong nước cũng giảm mạnh.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch không chỉ giảm trong thời điểm có dịch mà ngay cả khi kết thúc dịch, du lịch cũng vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khi các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng chung từ dịch bệnh đều sẽ tung ra những chiến lược để hấp dẫn lượng khách quốc tế trở lại.
Thời điểm hiện nay, việc tính toán các phương án hồi phục thị trường là vấn đề cấp thiết nhất, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển trong cả nước.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh, các doanh nghiệp cần nắm chắc tình hình thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Việc cung cấp những thông tin du lịch có chất lượng và mang tính chuyên nghiệp sẽ tạo sự tin tưởng cho du khách, nhất là du khách quốc tế. Giải pháp trước mắt là cần đẩy mạnh là tập trung khai thác thị trường trong nước, kích cầu du lịch nội địa. Cần giảm giá vé vận chuyển, lưu trú, tham quan điểm đến để thu hút du lịch trong nước.
Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước để thu hút du khách ngay khi dịch bệnh được khống chế, không thể chờ hết dịch mới triển khai.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng cho biết, để khôi phục thị trường du lịch Việt Nam, thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản hóa thủ tục về visa cho du khách. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đề xuất các đơn vị, địa phương giảm giá, miễn phí vé tham quan trong 1 đến 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất Chính phủ có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch như miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế, giảm tiền điện nước, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... để giảm áp lực.
Nhật Nam