Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, Cao Xuân Thu Vân khẳng định, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, các di tích văn hóa, lịch sử, khu – điểm du lịch được quan tâm chỉ đạo tôn tạo và phát huy giá trị, tạo sức hút hấp dẫn du khách đến tham quan nghiên cứu, góp phần vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Ảnh minh họa từ Internet
Theo đó, tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng đối với 8 di tích, trong đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 2 di tích cấp quốc gia: Trận Giồng Bốm năm 1946, sự kiện Ninh Thạnh Lợi năm 1927; trình UBND tỉnh xin chủ trương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng hạng di tích cấp quốc gia lên di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, di tích Tháp Vĩnh Hưng; đề xuất UBND tỉnh đưa công trình Nhà số 16 có dấu hiệu di tích vào danh mục kiểm kê di tích tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017 – 2020. Tỉnh hoàn thiện hồ sơ 4 di tích cấp tỉnh (Nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà Vưu Văn Tụng (Huyện Sổn), khu mộ dòng họ Công tử Bạc Liêu (Trần Trinh) và khu mộ dòng họ Cao Triều (Cao Triều Phát); hồ sơ điệu múa Romvong, Hò chèo ghe Bạc Liêu, Nói thơ Bạc Liêu và bản Dạ cổ hoài lang trên địa bàn tỉnh để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngoài ra, Bạc Liêu còn thực hiện công tác bảo quản, tu bổ 8 di tích; sưu tầm một số hình ảnh, hiện vật về nghề làm muối và đánh bắt thủy, hải sản của cư dân sống ven đê biển Bạc Liêu (thuộc địa bàn huyện Đông Hải); tiếp nhận hiện vật nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh nhằm phục vụ trưng bày, triển lãm về văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu…
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, tỉnh tăng cường tổ chức, tham gia trưng bày tại các cuộc triển lãm chuyên đề trong và ngoài tỉnh; ký kết phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh về việc tổ chức cho học sinh, sinh viên có điều kiện học tập lịch sử, văn hóa của địa phương tại các điểm trưng bày Bảo tàng nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm, đặc biệt là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các loại hình di sản văn hóa qua các phương tiện thông tin đại chúng; sớm thực hiện việc di dời Bảo tàng tỉnh về khối nhà B, C thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục bổ sung và điều chỉnh một số nội dung thuyết minh cho chính xác, phù hợp với từng di tích; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích. Bạc Liêu phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm bản đồ trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” trên địa bàn huyện Hồng Dân; triển lãm lưu động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; lập hồ sơ xếp hạng đối với 16 di tích, trong đó có 14 di tích cấp tỉnh và 2 di tích cấp quốc gia; xây dựng bộ sưu tập hiện vật “Kỷ vật kháng chiến thời kỳ chống Mỹ”. Tỉnh thực hiện trùng tu, tôn tạo 6 di tích; khảo sát một số di tích quốc gia đang xuống cấp để lập dự toán trình UBND tỉnh đầu tư kinh phí tu bổ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích bền vững gắn với phát triển du lịch của tỉnh…
Bạc Liêu phấn đấu năm 2020, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt trên 3.000 tỉ đồng (tăng từ 18% đến 30% so với năm 2019), trong đó doanh thu nhà hàng – khách sạn đạt trên 1.200 tỉ đồng (tăng từ 18% đến 30% so với năm 2019); khách du lịch phấn đấu đạt trên 3 triệu lượt (tăng trên 10% so với năm 2019), trong đó có khoảng 1,3 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú (tăng trên 10% so với năm 2019) và khoảng 90.000 lượt khách quốc tế.
Nhật Bình