Quyết định gia hạn cấm nhập cảnh của Australia do dịch COVID-19 khiến hàng nghìn du học sinh quốc tế không thể tới Australia và ngành du lịch nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Australia kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với khách đến từ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Ngày 13/2 Chính phủ Australia thông báo kéo dài bảy ngày lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc hoặc quá cảnh tại Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) tiếp tục gia tăng.
Trong bài viết đăng tải trên tờ ABC, nhà báo Jade Macmillan đặt câu hỏi liệu quyết định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hàng nghìn du học sinh hiện bị kẹt ở nước ngoài và các doanh nghiệp nội địa đang vật lộn để đối phó với những tác động kinh tế tiêu cực từ dịch bệnh.
Tác giả lý giải nội dung của lệnh cấm ngăn chặn bất cứ ai, ngoài công dân hoặc thường trú nhân của Australia và gia đình trực tiếp của họ, được phép nhập cảnh vào Australia từ Trung Quốc.
Các hạn chế ban đầu được đưa ra trong khoảng thời gian hai tuần và sẽ kết thúc vào ngày 15/2. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo nước này kéo dài lệnh cấm thêm bảy ngày nữa, ít nhất cho tới ngày 22/2, và sẽ xem xét lại mỗi tuần sau đó.
Những người được phép trở về Australia tiếp tục được yêu cầu tự cách ly trong vòng 14 ngày, kể từ khi họ rời Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Hiệp hội các trường đại học Australia, Catriona Jackson, khẳng định "mọi lựa chọn đều có thể" được thực hiện, nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho khoảng 100.000 sinh viên quốc tế không thể tới Australia vào đầu năm học.
Bà nói sinh viên có thể học trực tuyến trong một khoảng thời gian trước khi được phép quay trở lại Australia. Những sinh viên này cũng có thể xin hoãn kỳ học của mình mà không bị phạt tiền hay thu học phí cho khoảng thời gian vắng mặt. Tất cả các lựa chọn đã được đưa ra và áp dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan lên tiếng khẳng định các du học sinh chưa thể đến Australia sẽ không phải lo lắng về thời hạn và hiệu lực của thị thực nhập cảnh. Chính phủ Australia đảm bảo tạo mọi điều kiện để sinh viên nước ngoài có thể quay lại Australia nhanh nhất có thể.
Mặc dù vậy, lệnh cấm vẫn tạo ra các phản ứng tiêu cực đối với số đông du học sinh hiện vẫn chưa thể quay trở lại Australia. Một số người đã tìm cách di chuyển đến một quốc gia thứ ba, nán lại đó trong vòng 14 ngày của thời hạn cách ly, trước khi bay tới Australia.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người đã lực chọn phương thức trên, nhưng đây là một lựa chọn nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Giáo dục Australia. Ông Tehan cho biết tuyến đường đi qua nước thứ ba là "hoàn toàn nằm trong hướng dẫn."
Tuy vậy, bà Jackson cảnh báo hành động này có thể có những rủi ro cao. Người đứng đầu các trường đại học của Australia khẳng định đó không phải là một lựa chọn mà các trường tư vấn cho sinh viên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Vậy mức độ ảnh hưởng đối với ngành du lịch của Australia sẽ như thế nào? Theo tác giả bài báo, Hội đồng Công nghiệp Du lịch Australia (ATIC) tin rằng mức độ ảnh hưởng của lệnh cấm nhập cảnh sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với tác động từ những vụ cháy rừng tàn khốc, vừa diễn ra vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Giám đốc điều hành ATIC, Simon Westaway, cho biết Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu du lịch quan trọng. Mỗi năm, Australia đón 1,5 triệu lượt khách du lịch đến từ quốc gia lớn nhất châu Á này và hưởng lợi từ các khoản chi tiêu lên tới 12 tỷ AUD (tương đương 8,04 tỷ USD) của họ.
Dịch COVID-19 đã thực sự "khoét sâu" thêm những khó khăn mà ngành công nghiệp "không khói" của Australia đang gặp phải.
Trong bài phát biểu trước khi thông báo gia hạn lệnh cấm nhập cảnh, Thủ tướng Australia thừa nhận "thiệt hại kép" mà ngành du lịch Australia phải đối mặt là quá lớn. Ông cho biết chính phủ đang "xem xét tất cả các lựa chọn" để giảm thiểu tác động, nhưng không nêu rõ nội dung cụ thể./.
(Vietnam+)