Thế giới tiếp tục trải qua một tuần cảnh giác cao độ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. WHO đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với chủng mới của virus corona (SARS-nCoV-2) lên mức “rất cao”. Những biện pháp quyết liệt đã được chính phủ nhiều nước áp dụng nhằm ứng phó với dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho người dân.
Dịch Covid-19 ở “giai đoạn bước ngoặt”: Thế giới đẩy mạnh các biện pháp ứng phó
Tuần qua, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi có thêm 7 nước xác nhận các ca nhiễm đầu tiên gồm Hà Lan, Nigeria, Lítva, Belarus, New Zealand, Azerbaijan và Mexico.
Như vậy, tính đến ngày 28/2, sau khi khởi phát tại Trung Quốc đại lục hồi tháng 12-2019, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 84.000 người nhiễm và hơn 2.870 người tử vong trên toàn thế giới. Đến hết ngày 27/2, tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục từ khi bùng phát dịch đến nay là 78.824 ca và số ca tử vong là 2.788 ca. Ngoài Trung Quốc, thế giới đã xuất hiện ba ổ dịch mới là Hàn Quốc (2.337 ca), Iran (388 ca) và Italy (650 ca).
Trước tình hình đó, ngày 28/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng cảnh báo toàn cầu về nguy cơ đối với chủng mới của virus corona (SARS-nCoV-2) lên mức “rất cao”, cho rằng việc tiếp tục gia tăng số ca nhiễm virus và số quốc gia ghi nhận bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do SARS-nCoV-2 gây ra là “mối quan ngại rõ ràng”.
Một khu chợ ở TP Daegu đóng cửa từ ngày 23/2 để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. (Ảnh: Yonhap)
Toàn thế giới đều đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hàn Quốc đã nâng cảnh báo về dịch Covid-19 lên mức cao nhất (mức đỏ), đồng thời huy động quân đội tham gia công tác kiểm dịch. Saudi Arabia đã quyết định tạm thời đóng cửa đối với hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi đổ về thánh địa Mecca nhân dịp lễ hành hương Oumra. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu tạm thời đóng cửa toàn bộ các trường học công trên khắp cả nước.
Trong khi đó, chính phủ Italy đã phân bổ thêm 20 triệu euro (21,6 triệu USD) để ứng phó với dịch bệnh. Quân đội và lực lượng an ninh nước này cũng tiến hành kiểm soát 8 lối vào khu vực điểm nóng ghi nhận dịch bệnh, trong đó có cách ly 11 thành phố ở miền Bắc. Iran đóng cửa toàn bộ trường học ở nước này trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 29/2. Trong khi đó, kể từ ngày 28/2, Malaysia bắt đầu tạm cấm nhập cảnh các du khách đến từ hai địa phương đang là tâm điểm dịch Covid-19 tại Hàn Quốc. Chính phủ Kyrgyzstan cũng thông báo cấm nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Italy kể từ ngày 1-3 tới. Nhiều nước châu Phi cũng bắt đầu gấp rút tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Còn tại Mỹ, Bộ Y tế và dịch vụ con người nước này đã yêu cầu một ủy ban Thượng viện phê chuẩn ngân sách 2,5 tỷ USD để chống dịch. Số tiền trên sẽ giúp Mỹ mở rộng hệ thống giám sát, hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương, giúp phát triển vaccine và các liệu pháp điều trị cũng như mở rộng kho dự trữ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang.
Các nhà khoa học cũng đang chạy đua với thời gian để tìm ra phương thuốc đặc trị Covid-19. Mới đây, Công ty công nghệ sinh học Moderna Therapeutics, trụ sở tại Massachusett, Mỹ đã xuất xưởng những lô vaccine Covid-19 đầu tiên và sẽ sớm được đưa ra thử nghiệm trên người vào đầu tháng 4 tới.
Ngoài ra, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng đã bắt đầu thử nghiệm một loại thuốc chống virus mang tên remdesivir trên một bệnh nhân nhiễm Covid-19. Loại thuốc này trước đó được phát triển cho bệnh nhân nhiễm Ebola.
Thanh Sơn (tổng hợp)