Lâm Đồng: Quản lý và phát triển du lịch bền vững là mối quan tâm chung
Cập nhật: 18/03/2020
Lâm Đồng là địa phương được xác định phát triển du lịch là một trong những mũi nhọn kinh tế. Từ năm 2016-2019, tổng lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt gần 25 triệu lượt; số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành này khoảng 12.300 lao động. Mối quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri Lâm Đồng đối với ngành du lịch nói chung, trong đó có tỉnh Lâm Đồng là điều dễ hiểu.

Trung tâm thành phố Đà Lạt luôn thu hút đối với khách du lịch

Dấu hiệu phát triển thiếu bền vững

Đầu năm 2020, cử tri Lâm Đồng đã có kiến nghị đến Ban Dân nguyện của Quốc hội với nội dung: tình trạng phát triển du lịch không bền vững, có nhiều nơi phát triển quá “nóng” các mô hình kinh doanh tự phát, việc thống kê và đánh giá tác động không kịp thời, thiếu chính xác, làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường và đời sống Nhân dân trong khu vực. Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có giải pháp để quản lý và phát triển ngành du lịch Việt Nam một cách bền vững, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp nhận thông tin này, ngày 27/2/2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có Công văn số 826/BVHTTDL-VP trả lời với văn bản dài, chúng tôi chỉ lược trích một phần. Về tính bền vững, xét trên tổng thể, các chỉ số về lượng khách, tổng thu và cơ sở vật chất của du lịch đạt tăng trưởng tốt qua các năm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Thị trường khách du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn còn bị động, phụ thuộc vào một vài thị trường khách lớn. Thị trường khách có mức chi trả cao, lưu trú dài ngày vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Bên cạnh đó, mặc dù tổng thu du lịch tăng nhanh nhưng cơ cấu tổng thu du lịch chưa hợp lý (chủ yếu là thu từ lưu trú và ăn uống), chất lượng của hệ thống khách sạn còn nhiều yếu kém.
 
Mặt khác, từ góc độ tài nguyên và môi trường, sự phát triển với tốc độ cao trong khi hạ tầng môi trường chưa theo kịp làm nảy sinh những tác động tiêu cực tới nguồn tài nguyên du lịch (cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn). Nhiều tài nguyên du lịch đang được khai thác quá mức dẫn đến bị suy giảm và khó phục hồi. Các khách sạn, công trình phục vụ du lịch và giải trí “bung ra” thiếu sự quy hoạch thận trọng, nhiều trường hợp ảnh hưởng đến các di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Nhiều hệ sinh thái nhạy cảm, có đa dạng sinh học cao như các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng ven biển... bị biến đổi mạnh. Lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường ở các khu du lịch lớn, tập trung, đặc biệt ở một số khu du lịch ven biển ngày càng gia tăng. Hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt trực tiếp với quá trình suy thoái môi trường, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm ưu tiên đầu tư phát triển du lịch.

Từ góc độ văn hóa - xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trong những năm qua đã kéo theo sự du nhập của một số hiện tượng văn hóa không lành mạnh, gây tác động tiêu cực (thúc đẩy quá trình thương mại hóa) làm ảnh hưởng tới phong tục tập quán, lễ hội lâu đời ở các khu điểm du lịch. Sự phát triển của du lịch còn làm mất đi sự cân bằng của cán cân cung cầu, làm gia tăng giá cả tại khu du lịch ảnh hưởng đến đời sống xã hội dân cư. Đây là dấu hiệu của sự phát triển thiếu bền vững.

Đà Lạt và chiến lược du lịch chất lượng cao

Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngày 12/3, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc. Được biết, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và đã đạt được những kết quả. Xin lược nêu một vài số liệu: Từ 2016-2019, tổng lượng khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 24.990.477 lượt (khách quốc tế đạt 1.712.977 lượt, khách nội địa đạt 23.277.500 lượt); trong đó, khách qua đăng ký lưu trú đạt 16.934.977 lượt. Lâm Đồng đã thu hút 112 dự án có tổng số vốn đăng ký khoảng 50.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 2.250 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 25.617 phòng; trong đó, có 480 khách sạn từ 1 - 5 sao với 12.642 phòng (35 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 3.496 phòng). Lâm Đồng có 67 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch; hiện có 35 khu, điểm tham quan du lịch, 3 sân golf, hơn 60 điểm tham quan miễn phí, và hơn 30 điểm du lịch canh nông. Lâm Đồng cũng đã nhận được một số giải thưởng về du lịch từ các tổ chức thế giới, đặc biệt năm 2017, Đà Lạt đạt Giải “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4”.

Về tình hình phát triển bền vững và các giải pháp, thông tin từ Phòng nghiệp vụ của Sở VHTTDL Lâm Đồng giống ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL nên chúng tôi không dẫn lại. Dĩ nhiên là các giải pháp để phát triển du lịch bền vững thời gian tới là khắc phục những hạn chế đã nêu ở trên. Trong đó, triển khai có hiệu quả các văn bản, đề án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, trọng tâm là triển khai Quyết định 6723/QĐ-UBND ngày 8/4/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch số 5453/KH-UBND ngày 21/8/2017 triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng;…

Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm một số nội dung cụ thể như: Về sản phẩm, đa dạng loại hình là tốt nhưng cần đạt chuẩn về quy định pháp luật cũng như của ngành du lịch nói riêng, đó là chất lượng, an toàn và môi trường, đặc biệt đối với các điểm du lịch tham quan tự phát, sự đồng hành về trách nhiệm của các đơn vị lữ hành. Về đội ngũ phục vụ, vấn đề chuyên môn-nghiệp vụ cần được tích cực quan tâm đầu tư nhiều từ doanh nghiệp hoạt động du lịch. Đối với cơ sở nhà nghỉ, theo quy định về phân cấp, ngành Du lịch chỉ quản lý khách sạn từ 1 sao trở lên (gần 500 khách sạn), số cơ sở nhà nghỉ rất nhiều (khoảng 1.700 cơ sở) thuộc diện quản lý của chính quyền các địa phương. Vì vậy, để nâng chất lượng du lịch, hướng đến tính bền vững, vai trò quản lý của chính quyền địa phương hết sức quan trọng. “Thành phố Đà Lạt đã và đang phát triển chiến lược du lịch chất lượng cao. Điều đó nghĩa là cần có một bộ tiêu chí cụ thể kèm theo, vừa là khích lệ và yêu cầu, vừa là chế tài giám sát và đánh giá”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn.

Minh Đạo

Báo Lâm Đồng