Nói đến du lịch An Giang, không thể không nhắc đến cánh đồng pin điện mặt trời dưới chân Núi Cấm (huyện Tịnh Biên). Sự hòa quyện giữa phong cảnh hữu tình với vẻ đẹp hiện đại của nhà máy điện mặt trời sẽ mang lại cảm giác mới lạ, thú vị cho du khách khi đến với vùng Thất Sơn.
Cánh đồng pin điện mặt trời dưới chân Núi Cấm
Người dân Tịnh Biên giờ đây đã quá quen thuộc với hình ảnh từng đoàn xe chở khách du lịch từ TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh lân cận nối tiếp nhau trên tỉnh lộ 948 đang được nâng cấp để vào khu du lịch rừng tràm Trà Sư, lâm viên Núi Cấm, đồi Tức Dụp sau khi cúng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam - một tour du lịch khép kín không thể thiếu khi đến vùng Thất Sơn. Cánh đồng pin điện mặt trời là một điểm nằm trên trục tham quan này.
Điện mặt trời không còn là một khái niệm mới mẻ, vì ở Việt Nam đã có hàng chục nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng cánh đồng pin điện mặt trời ở Tịnh Biên cuốn thu khách du lịch bởi nó tọa lạc ở một nơi đẹp hút hồn. Xa xa là Núi Cấm linh thiêng mờ ảo trong sương khói. Bao quanh nhà máy điện là những đồng lúa bát ngát. Trên nền trời xanh thẳm, từng đàn cò trắng muốt bay liệng hoặc thảnh thơi đứng trên những tầng pin ngó nghiêng trời đất. Tất cả tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp, vừa hiện đại, vừa nên thơ và thanh bình.
Người dân địa phương cho hay, trước đây vui một vì trên quê hương mình có nhà máy quang năng cung cấp điện cho EVN, góp phần giải tỏa tình trạng thiếu điện cho hàng trăm hộ dân, thì nay niềm vui ấy lại nhân lên nhiều lần khi cánh đồng pin điện mặt trời trở thành điểm dừng chân lý tưởng, phục vụ “check in” chuyên nghiệp cho du khách trong và ngoài nước.
Chắp thêm cánh cho ngành du lịch An Giang
Với phong cảnh non nước hữu tình, cùng những huyền thoại linh thiêng, huyện Tịnh Biên đang sở hữu tiềm năng lớn về du lịch. Nơi đây còn có trên 2.400 giờ nắng mỗi năm, rất thích hợp để đầu tư nhà máy điện mặt trời.
Mới đây, sự xuất hiện của nhà máy điện mặt trời tại xã An Hảo (giai đoạn I, có công suất phát điện 104 MW, diện tích 120 ha và giai đoạn II có công suất 106 MW, với diện tích xây dựng khoảng 160 ha) được ví như “thành phố ánh sáng” có tổng công suất phát điện 210 MW, trải rộng trên 275 ha sẽ là đô thị “văn minh” nơi vùng Thất Sơn vì chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt và sản xuất.
Ông Châu Hoàng Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Du lịch điện mặt trời An Hảo phấn khởi cho biết, khu du lịch kết hợp độc đáo giữa điện mặt trời và nông nghiệp sạch. Dưới tầng pin là công viên hoa đủ sắc màu, xen kẽ với các loại thảo mộc. Tới đây sẽ có con đường uốn lượn vòng quanh nhà máy điện để cho khách tham quan. Ngoài ra, còn có khu bảo tồn động vật hoang dã đặc trưng của Thất Sơn. Ông Châu Hoàng Minh cho biết thêm, thời gian gần đây, đã có khá nhiều công ty lữ hành liên hệ để làm tour tham quan theo yêu cầu của khách.
Trong tour tham quan ở cánh đồng pin, du khách sẽ được trải nghiệm các thiết bị công nghệ, đồ điện gia dụng, điện lạnh được vận hành bằng điện mặt trời, từ đó giúp mọi người nhận thức, ủng hộ việc ứng dụng năng lượng xanh vào cuộc sống và du lịch thân thiện.
“Tịnh Biên đang hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm các làng nghề. Trong đó, cánh đồng pin điện mặt trời cùng với rừng tràm Trà Sư sẽ là ‘lõi’ trong việc phát triển kinh tế mũi nhọn của vùng đất này”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định.
Thanh Anh