Du lịch Lâm Đồng ứng phó với COVID-19
Cập nhật: 03/04/2020
Cho đến thời điểm này, Đà Lạt - Lâm Đồng khẳng định vẫn là điểm đến du lịch an toàn và thân thiện, luôn sẵn sàng đón tiếp và phục vụ du khách trong và ngoài nước. Nhưng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động rất nặng nề đến du lịch nói chung và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng...

Dịch bệnh đã làm cho các khu điểm du lịch ở Đà Lạt - Lâm Đồng không còn cảnh đông vui, nhộn nhịp như thế này nữa

Thiệt hại 80-90%

Quý I năm 2020, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, khách quốc tế giảm 28,2%, khách nội địa giảm 23,5%, khách qua lưu trú giảm 26,83%. Riêng trong tháng 3/2020, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng giảm 62% so với cùng kỳ năm 2019...Trước ngày Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 - thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày, theo thống kê đến ngày 25/3/2020 toàn tỉnh Lâm Đồng có 180 doanh nghiệp và 657 hộ kinh doanh cá thể kinh doanh ngành dịch vụ du lịch tạm ngưng hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19, với thời gian tạm nghỉ từ 2 tháng trở lên. Hầu hết các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đều không có khách do các đoàn khách đã hoãn hoặc hủy tour. Doanh thu về dịch vụ du lịch trong tháng 2 đã giảm đến 80%, tháng 3 nhiều đơn vị tạm thời đóng cửa để tránh thảm hại hơn.

Thống kê sơ bộ, có trên 4.000 lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có thông báo tạm ngưng hoạt động phải nghỉ việc không lương và đang thực hiện các thủ tục để nhận bảo hiểm thất nghiệp; hàng ngàn lao động bị giảm giờ làm và cắt giảm lương. Trong đó, KS Ladalat của Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn Lê Thành ngừng kinh doanh và cho hơn 200 nhân viên nghỉ việc; KDL Rừng Madagui có hơn 200 nhân viên, nay chỉ có 13 người thuộc bộ phận chủ chốt, hơn 180 lao động luân phiên nghỉ phép hoặc nghỉ không ăn lương; ngay cả Công ty Vietravel chi nhánh Đà Lạt cũng tạm ngưng hoạt động… Việc không có khách và ngưng nghỉ hoạt động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch hiện nay. Điều này còn dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ lao động sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh và hoạt động trở lại. 

Xây dựng chương trình hành động cho du lịch Lâm Đồng

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp và đang có nguy cơ lan rộng, phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với COVID-19, ngành du lịch Lâm Đồng cùng với các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm túc cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương trong việc chủ động, quyết liệt, kịp thời phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch...

Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động du lịch ngưng trệ do dịch, cơ quan chủ quản du lịch có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp tăng cường công tác truyền thông, rà soát, tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh, thống kê tình hình lao động, việc làm tại đơn vị để hỗ trợ người lao động thực hiện các thủ tục liên quan đến việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời, xây dựng phương án tổ chức các lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, công nhân viên và người lao động trong ngành.

Song song với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đơn giản hóa, tiếp tục cắt giảm, công khai việc giải quyết các thủ tục hành chính giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Mục tiêu của các hoạt động trên nhằm kích cầu, khôi phục thị trường du lịch sau dịch, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch, nhằm thúc đẩy khai thác, thu hút thị trường khách du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam, đặc biệt là các chương trình du lịch phù hợp với đối tượng là cán bộ, công nhân viên, hướng đến khai thác các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm đang có tốc độ tăng trưởng cao...

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: Sở gửi văn bản đề xuất với Chính phủ có phương án miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2020; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do COVID-19; giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất năm 2020; có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm lãi suất vay, khoanh nợ và giãn nợ cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.

Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với ngành du lịch, tăng cường quảng bá xúc tiến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế sau khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19; bố trí kinh phí hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ngành du lịch; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục và quy trình làm hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngành du lịch phải nghỉ việc do COVID-19; bên cạnh đó, tuyên truyền, động viên tinh thần của người lao động cố gắng vượt qua khó khăn, thực hiện nghiêm các chỉ thị và khuyến cáo của Chính phủ để sớm khống chế dịch bệnh COVID-19.

Lê Hoa

baolamdong.vn