(TITC) - Du lịch Việt Nam hơn 20 năm qua đã có những giai đoạn trải qua các biến động có thể được coi là khủng hoảng, trong đó có thời kỳ tăng trưởng âm. Bài viết này điểm lại các thời kỳ đó để xem du lịch Việt Nam đã hồi phục như thế nào?
Biểu đồ. Hồi phục tăng trưởng khách du lịch quốc tế sau khủng hoảng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương
Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê
1. Khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998
Khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra từ tháng 7/1997, tác động mạnh mẽ đến khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong năm 1997 và 1998. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bắt đầu tăng trưởng chậm lại năm 1997, suy giảm mạnh năm 1998 (-11%) nhưng hồi phục mạnh mẽ năm 1999 (+17%) và 2000 (+20%).
2. Khủng hoảng dịch SARS 2003
Dịch SARS hay còn gọi là Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng xuất hiện tại Trung Quốc từ tháng 11/2002, phát hiện ở Việt Nam tháng 02/2003, được khống chế ở Việt Nam vào tháng 4/2003 (sau 45 ngày được phát hiện) và được khống chế trên toàn cầu vào tháng 7/2003. Dịch SARS khiến du lịch Việt Nam suy giảm năm 2003 (-8%) nhưng đã hồi phục mạnh mẽ năm 2004 (+21%).
3. Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009
Khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ năm 2007, tác động mạnh mẽ năm 2008 và 2009, được coi là giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ sau đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20. Khủng hoảng khiến du lịch Việt Nam tăng trưởng chậm năm 2008 (+2%) và sụt giảm mạnh, tăng trưởng âm năm 2009 (-11%). Tuy nhiên, năm 2010, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 34%.
Ngoài ra, du lịch Việt Nam còn có thời kỳ suy giảm tốc độ tăng trưởng năm 2014 (+4%) và 2015 (+1%). Tuy nhiên, nguyên nhân suy giảm do tác động của các sự kiện mang tính cục bộ đối với thị trường cụ thể nên bài viết này không tập trung phân tích.
Hiện nay, có thể nói du lịch Việt Nam lại đang bắt đầu vào một cuộc khủng hoảng mới do Covid-19 với diễn biến phức tạp, khó lường hơn trên phạm vi toàn cầu. Các dự báo hiện nay đều cho rằng du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau dịch Covid-19 so với khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, dịch SARS 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Thời điểm để có thể phục hồi như năm 2019 ước tính sang năm 2022, thậm chí có thể lâu hơn. Vì vậy, ngành du lịch đang bám sát thực tiễn để dự báo các kịch bản, đề ra các kế hoạch phục hồi sau Covid-19./.
Lê Tuấn Anh