Khai thác và phát triển bền vững: Hướng đi tất yếu
Cập nhật: 13/04/2020
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một lần nữa khẳng định, phát triển du lịch bền vững là hướng đi tất yếu, tạo dựng ổn định trong dài hạn.   

Mục tiêu chiến lược hướng tới là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đáng chú ý, quan điểm bao trùm của chiến lược là phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh; chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc.

Ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo

Theo mục tiêu, đến năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm; đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa…

Thực tế hiện nay, với sự tác động mạnh của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến nhiều lĩnh vực lao đao, trong đó du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đề ra là một thử thách lớn. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia, chiến lược sẽ là động lực và cơ hội để ngành du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch, nhờ vào mục tiêu, tầm nhìn rõ nét, cùng các chính sách hỗ trợ thuận lợi.

Bên cạnh đó, các dự báo về xê dịch tới đây cũng có sự thay đổi, như: Giá phòng, vé máy bay rẻ hơn; ngành hàng không sẽ linh hoạt hơn trong thực hiện chính sách; và du lịch bền vững cũng được chú trọng. Bởi khi thực hiện giãn cách xã hội, thiên nhiên, cảnh quan, môi trường có cơ hội được phục hồi, hít thở sau quãng thời gian quá tải bởi sự ô nhiễm, đông đúc… Do đó, hướng phát triển bền vững của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đặt ra phù hợp với xu hướng.

Cơ sở tạo dựng niềm tin đó là việc chiến lược đã đưa ra nhóm giải pháp đồng bộ, quyết liệt, như: Phải đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch và bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nguồn nhân lực, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch…

Đặc biệt, những nhiệm vụ đề ra đều đánh giá vai trò quan trọng của việc thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; tạo thuận lợi về thủ tục cấp thị thực; đầu tư hình thành một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; hỗ trợ nguồn lực cho người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng…

Sau khi được Thủ tướng phê duyệt chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Theo chiến lược đề ra, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa, khai thác thế mạnh ẩm thực; tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đô thị, du lịch kết hợp hội nghị hội thảo… nhằm phục vụ đa dạng thị trường du khách.

Bảo Thoa

congthuong.vn