Cao Bằng xác định du lịch là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 – 2025;
Trong Báo cáo Tổng kết Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển Du lịch giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã đưa ra nhiều định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Xác định du lịch là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 – 2025; Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc.
Thác Bản Giốc - danh thắng nổi tiếng ở Cao Bằng
Lập và triển khai các quy hoạch; xây dựng các Đề án/ dự án về cơ sở hạ tầng du lịch; Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các Khu di tích quốc gia đặc biệt, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, nhất là xây dựng đường cao tốc Đồng Đăng, Lạng Sơn – Trà Lĩnh, Cao Bằng. Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, khai thác, phát huy hiệu quả các di tích, di sản, đa dạng hóa các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, giải trí, nghỉ dưỡng, khám phá, mạo hiểm, hợp tác qua biên giới,... phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng như một trụ cột để phát triển du lịch bền vững.
Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh. Chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức; Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, nhằm tạo thương hiệu du lịch miền núi của Việt Nam
Hằng Đinh (T/h)