Oxford Economics - Tập đoàn tư vấn kinh tế hàng đầu thế giới vừa đưa ra những dự báo về sự phục hồi của ngành Du lịch sau dịch Covid-19. Theo đó, để đạt được như thời điểm năm 2019 phải đến tận năm 2022 mới có thể đạt được.
Đấu trường Colosseum (Italia) vắng tanh vì đại dịch Covid-19 Ảnh: AFP
Những đối tượng, đối tác nghiên cứu của Oxford Economics là các tập đoàn, các điểm đến và nền kinh tế của hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Đối mặt nhiều biến cố
Oxford Economics nhận định: Trong 2 thập kỷ vừa qua, du lịch thế giới nói chung và du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đã có những giai đoạn tăng trưởng âm do tác động của dịch bệnh SARS năm 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tuy nhiên ngay sau đó khu vực này lại chứng kiến giai đoạn hồi phục nhanh. Ở Việt Nam, dịch SARS được phát hiện vào tháng 2/2003 và nhanh chóng được khống chế vào tháng 4/2003 (sau 45 ngày). Dịch này được khống chế trên toàn cầu vào tháng 7/2003 (8 tháng sau khi bùng phát). SARS đã khiến du lịch Việt Nam suy giảm (-8%) lượng khách quốc tế vào năm 2003 nhưng đã hồi phục mạnh mẽ năm 2004 với mức tăng 21%. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2009, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nhẹ và tăng trưởng chậm năm 2008 (+2%) nhưng sụt giảm mạnh, tăng trưởng âm năm 2009 (-11%). Đến năm 2010, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng cao nhất trong lịch sử phát triển ngành, tăng 34%.
Trong dự báo tháng 3/2020 của Oxford Economics cho rằng, du lịch châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 không thể phục hồi lại mức độ suy giảm năm 2020 do tác động của dịch Covid-19 mà phải kéo dài đến năm 2022. Theo Oxford Economics, thời gian hạn chế đi lại dẫn đến số lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu năm 2020 giảm so với năm 2019. Cụ thể từ tháng 2 - 9/2020 dự báo giảm 28% lượng khách quốc tế (giảm 409 triệu lượt người). Một dự báo xấu hơn là trong 6 tháng, từ tháng 2 - 7/2020, lượng khách giảm 39% (giảm 570 triệu lượt người); trong 10 tháng, từ tháng 2 - 11/2020 giảm 49% (giảm 716 triệu lượt người); trong 12 tháng, từ tháng 2/2020 - 1/2021 giảm 65% lượng khách quốc tế (giảm 950 triệu lượt người).
Trước đó, Oxford Economics dự báo, ngành Du lịch toàn cầu có thể thiệt hại 49 tỉ USD nếu dịch Covid-19 kéo dài 8 tháng; thậm chí con số này có thể lên tới 73 tỉ USD nếu dịch Covid-19 hoành hành lâu hơn nữa và mất ít nhất là gấp đôi thời gian để phục hồi. Điều này cũng có nghĩa, khủng hoảng lần này không thể phục hồi ngay mà phải đến năm 2022, đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam và thế giới có những đánh giá toàn diện và chuẩn bị các kế hoạch phù hợp sau dịch Covid-19.
Phải hành động ngay
Trước tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Du lịch toàn cầu gặp quá nhiều khó khăn, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã ra thông cáo kêu gọi Chính phủ các nước hành động ngay để hỗ trợ ngành Du lịch. Trong thư ngỏ, Chủ tịch WTTC Gloria Guevara cho rằng: “Ngành Du lịch và Lữ hành thế giới đang thực sự bước vào cuộc chiến sống còn và kinh tế thế giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu thiếu vắng ngành nghề này”. Du lịch đang là trụ cột của nhiều nền kinh tế trên thế giới, nó mang lại nguồn ngoại tệ và đầu tư đáng kể, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy các ngành nghề khác. Theo thống kê của WTTC, ngành Du lịch và Lữ hành đóng góp 10,4% GDP toàn cầu và 320 triệu việc làm (tức là cứ 5 việc làm mới được tạo ra thì có một công việc trong ngành Du lịch). Trong 8 năm liên tiếp, ngành Du lịch đã tăng trưởng ở mức cao hơn kinh tế toàn cầu.
WTTC kêu gọi Chính phủ các nước ngay lập tức hành động và có giải pháp thiết thực hỗ trợ ngành Du lịch để ngăn chặn thiệt hại từ khu vực tư nhân và bất cứ sự chậm trễ nào sẽ phải đánh đổi bằng việc mất hàng triệu việc làm và nhiều thiệt hại không tính toán được trên toàn thế giới. WTTC đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm bảo vệ hàng triệu người mà sinh kế dựa vào ngành Du lịch trong thời gian này gồm: Trợ cấp tài chính nhằm đảm bảo thu nhập cho những lao động trong các ngành nghề đang thiệt hại nghiêm trọng nhất; cung cấp những gói vay miễn lãi và dài hạn cho những doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh phá sản; áp dụng chính sách miễn các loại thuế, phí và những yêu cầu tài chính khác cho ngành Du lịch, ít nhất trong 12 tháng sắp tới.
Bà Gloria Guevara nhấn mạnh, những giải pháp mạnh mẽ, quyết đoán và kịp thời của các Chính phủ không chỉ cứu các doanh nghiệp du lịch khỏi nguy cơ sụp đổ mà còn góp phần ngăn cuộc khủng hoảng về y tế này trở thành thảm họa về kinh tế, cũng như bảo vệ sinh kế cho hơn 320 triệu người và gia đình trên toàn thế giới - những người vốn đang phụ thuộc vào ngành Du lịch. WTTC cũng đã cảnh báo việc 50 triệu lao động du lịch toàn cầu đang bị đe dọa mất việc làm.
Thuý Hà