Trước thời điểm dịch Covid-19 chưa lan rộng, các DN du lịch dù đã tính toán và xây dựng các kịch bản ứng phó khủng hoảng theo từng cấp độ để thích nghi. Tuy nhiên, khi dịch kéo dài và lan rộng khiến những kịch bản đưa ra bị “phá sản”. Hầu hết DN du lịch phải đóng cửa, hàng chục ngàn lao động bị mất việc làm và thu nhập. DN nào còn cầm cự được thì chuyển sang trạng trái “ngủ đông”, điều chuyển nhân viên sang làm những công việc “tay trái”, giãn việc làm, cho nhân viên nghỉ phép… để cầm cự vượt qua đại dịch.
Du lịch nội địa được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát
Ông Hoàng Đức Huy, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch TransViet chia sẻ “ngủ đông” chưa phải là kịch bản xấu nhất, với khoảng hơn 600 nhân viên tại 8 văn phòng trên cả nước, TransViet đang duy trì hoạt động với 30% nhân sự thay phiên nhau làm các công việc liên quan. Một bộ phận khác được điều chuyển làm công việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn… Để thích ứng với tình hình, công ty đã chủ động tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, nghiên cứu thị trường và các dòng sản phẩm du lịch mới, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, cắt giảm những hạng mục chi không cần thiết để tối ưu chi phí. Trong đó, tập trung xây dựng dòng sản phẩm du lịch hẹn hò (Dating Tour), được thiết kế riêng cho nhóm khách hàng độc thân, dự kiến sẽ được tung ra ngay sau khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi. Đồng thời nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng thị hiếu của các thị trường tiềm năng khác mà trước đây ngành du lịch trong nước chưa nghĩ đến, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc…
Là hãng lữ hành chuyên tour Mỹ cao cấp với doanh thu bình quân 25 tỉ đồng/ tháng trước dịch, hiện nay thì trắng tay không có đồng thu nào do thị trường “đóng băng”, ông Nguyễn Thế Khải, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ cho biết, trong lúc này, công ty thực hiện chiến lược định vị khách hàng mới để nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ, lập mẫu tour mới khác biệt dành cho nguồn khách chất lượng, chờ khi tình hình ổn định sẽ kích hoạt, đón đầu thị trường.
Theo đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành du lịch là không thể tránh khỏi. Trước tình hình chung như thế, DN xem đây là cơ hội để tập trung vào công tác đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực của công ty cũng như rà soát lại toàn bộ các quy trình tổ chức tour, chăm sóc khách hàng, xây dựng sản phẩm… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện Lữ hành Saigontourist vẫn đang tập trung củng cố nguồn nhân lực để sẵn sàng hoạt động sau khi hết dịch, đồng thời tập trung nâng cấp hạ tầng cho lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Đối với du khách Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh được khống chế và có diễn tiến khả quan hơn, lữ hành Saigontourist sẽ triển khai nhiều sản phẩm kích cầu trong và ngoài nước với chính sách giá cả ưu đãi, áp dụng các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm, đa dạng hóa các chương trình tham quan… Đối với du khách quốc tế, công ty sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai các chương trình quảng bá cho điểm đến Việt Nam vào mùa năm sau.
Ông Nguyễn Dương Trung Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Du lịch VieTourist chia sẻ, hiện toàn bộ nhân viên của công ty phải làm việc tại nhà, trong đó công việc chính là thực hiện chăm sóc khách hàng bằng các minigame online, tức là tổ chức những trò chơi trực tuyến nhỏ cho các khách hàng cũ cùng tham gia gửi hình ảnh, hồi tưởng lại những điểm tham quan du lịch mà du khách từng đến, nhằm khảo sát tâm lý của du khách thích trải nghiệm, khám phá những điểm đến nào sau khi hết dịch để tập trung xây dựng lại chiến dịch marketing thích ứng nhu cầu của du khách. Ông Hiếu cho biết, tỉ lệ khách hàng cũ tham gia các trò chơi đạt 80-90% tỉ lệ mong đợi của công ty, như vậy là thành công rồi. Công ty cũng tranh thủ thời gian làm việc trực tuyến để đào tạo thêm kỹ năng mềm cho nhân viên, củng cố chất lượng nhân lực để sẵn sàng nhập cuộc vào “đường ray” khi thị trường được “kích hoạt” trở lại.
Theo nhận định của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, du lịch Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phục hồi sớm sau khi đại dịch được kiểm soát hoàn toàn, có thể sau 6 tháng. Bởi Việt Nam hiện có tỉ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm hơn 82% tổng lượt khách trong năm 2019) cũng như nguồn khách lớn từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây được xem là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại thị trường du lịch Việt Nam.
Hoàng Hải