Đầu năm 2020, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2020 tổ chức ở Brunei, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) là 1 trong 3 thành phố của Việt Nam đạt danh hiệu “Thành phố du lịch sạch ASEAN” tại Giải thưởng Du lịch sạch ASEAN 2020.
Quy Nhơn - Thành phố du lịch sạch ASEAN 2020
Tỉnh Bình Định cũng xác định môi trường du lịch cần thiết phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh và văn minh.
Di dời khách sạn, tạo không gian chung cho cộng đồng
Vài năm trở lại đây, Quy Nhơn phát triển hạ tầng nhanh chóng và trở thành một điểm đến mới hấp dẫn với vẻ đẹp của thành phố biển đặc trưng, có nhiều nét hoang sơ, con người thân thiện, ẩm thực phong phú. Đặc biệt, môi trường ở Quy Nhơn rất trong lành, thành phố sạch sẽ, bình yên với nhiều điểm đến vô cùng hấp dẫn như: Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh, chùa Ông Núi, hệ thống các tháp Chăm cổ… Theo thống kê, lượng khách du lịch đến Bình Định trong 3 năm gần đây tăng đột biến đạt hơn 3,7 triệu lượt khách trong năm 2017, năm 2018 đón được 4 triệu lượt khách. Trong năm 2019, ngành du lịch Bình Định ước đón được hơn 4,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 6.000 tỉ đồng. Sân bay quốc tế Phù Cát đón chuyến bay quốc tế đầu tiên vào tháng 1.2020 đã mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch, thu hút nhà đầu tư quốc tế đến với Bình Định trong thời gian tới.
Để đạt được giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2020, thành phố Quy Nhơn cùng thành phố Huế (Thừa Thiên Huế), thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã đáp ứng đủ 7 tiêu chí liên quan đến các hoạt động quản lý môi trường chung, đảm bảo yếu tố sạch sẽ vệ sinh, quản lý tốt vấn đề chất thải. Chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường, thành phố sở hữu nhiều không gian xanh. Bên cạnh đó, thành phố biển Quy Nhơn cũng hội tụ đủ các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị cho du khách, hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp, đạt chuẩn.
Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất là Bình Định đang thực hiện một việc mà chưa tỉnh/ thành nào làm: Di dời 3 khách sạn ven biển để làm công viên, tạo không gian mang lại nhiều lợi ích công cộng cho người dân và du khách. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: “Những khách sạn này được xây dựng trong thời gian tỉnh còn nhiều khó khăn và trong quá trình hoạt động có nhiều đóng góp lớn cho du lịch của tỉnh. Chủ các khách sạn này là những nhà đầu tư tiên phong, được lãnh đạo tỉnh Bình Định cấp phép xây dựng theo đúng quy định”. Vì thế, việc di dời, giải tỏa các khách sạn này cũng được thực hiện theo lộ trình phù hợp, đúng quy định và đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa các chủ đầu tư, địa phương và cả người lao động.
Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững
Với lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, Bình Định lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa- lịch sử làm nền tảng. Tuy nhiên, giống như các địa phương khác, tỉnh Bình Định cũng gặp phải những thách thức trong công tác đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch như: Vấn đề rác thải tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các bãi biển; hoạt động của du khách tác động đến rặng san hô, nguồn lợi thủy sản; ý thức ứng xử văn minh du lịch còn hạn chế; chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu...
Tỉnh Bình Định xác định, để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển du lịch vào năm 2020, định hướng năm 2030 thì môi trường du lịch cần thiết phải được bảo vệ, tôn tạo và phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh và văn minh. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu chung: Xây dựng môi trường du lịch tỉnh Bình Định theo hướng phát triển bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 “Môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn”; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ sở dịch vụ du lịch, cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an toàn, an ninh, lành mạnh, ứng xử văn minh du lịch.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2020- 2025: 100% các loại hình du lịch phát triển theo hướng bền vững, lồng ghép chặt chẽ vấn đề đảm bảo môi trường du lịch với việc xây dựng các chương trình hành động, chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch; 100% các khu, điểm du lịch công cộng, các bãi tắm công cộng, điểm dừng chân… được bố trí thùng rác; 100% các khách sạn được hướng dẫn, triển khai Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13.5.2019 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; 100% các cơ sở ăn uống (không thuộc khách sạn), cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm được hướng dẫn thực hiện Bộ Tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch theo Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL; 100% người làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến du lịch được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về du lịch bền vững, đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch…
Giai đoạn 2025-2030: 100% cơ sở dịch vụ được bồi dưỡng, phổ biến về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh du lịch; 100% khách sạn, khu điểm du lịch thực hiện đảm bảo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; 100% các cơ sở ăn uống (không thuộc khách sạn), cơ sở vui chơi giải trí, cơ sở bán hàng lưu niệm thực hiện Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch theo Quyết định số 1066/ QĐ-BVHTTDL.
Nguyễn Anh