Các chính phủ trên toàn thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona và sự bùng phát của dịch bệnh COVID 19, trong đó có việc đóng cửa các nhà máy, cửa hàng không thiết yếu, trường học…, áp dụng các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội, hạn chế đi lại rộng rãi, thậm chí các lệnh phong tỏa, giới nghiêm tại các thành phố.
Hai tỷ người trên khắp thế giới hiện giới hạn các hoạt động, chỉ ở nhà và con số này vẫn tiếp tục tăng lên, với những lo ngại về sức khỏe và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và sinh kế trong thời gian sắp tới.
Trong tác động chung đến xã hội, lĩnh vực văn hóa nói chung và hệ thống các bảo tàng trên thế giới cũng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh COVID 19. Cùng với các thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát và các thiết chế văn hóa khác, ước tính 90% trong tổng số 60.000 bảo tàng trên thế giới đã đóng cửa hoàn toàn, một phần hoặc theo sự kiện. Trước tình trạng thiếu hụt kinh phí hoạt động, nhiều bảo tàng trên thế giới có nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn trong tương lai. Tại Italia, ngành văn hóa dự kiến sẽ thiệt hại 3 tỷ euro trong quý tiếp theo. Tây Ban Nha thiệt hại 980 triệu euro chỉ trong tháng Tư. Liên minh Bảo tàng Hoa Kỳ (AAM) ước tính rằng một phần ba bảo tàng ở Hoa Kỳ sẽ không mở cửa trở lại. Hàng ngàn chuyên gia bảo tàng, đặc biệt là những người làm việc tự do và bấp bênh đang có nguy cơ hoặc đã mất các nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Như vậy, bất kể quy mô, vị trí hoặc địa vị, hệ thống bảo tàng trên khắp thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, từ việc bảo vệ các bộ sưu tập, đảm bảo rằng nhân viên an toàn và khỏe mạnh đến việc xử lý các vấn đề tài chính và tiếp tục gắn kết với công chúng.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, các bảo tàng đang thể hiện những đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng, đề xuất những ý tưởng sáng tạo và truyền cảm hứng cho mọi người trong thời điểm khó khăn và không chắc chắn này.
Tìm cách sáng tạo để phục vụ công chúng
Văn hóa không bao giờ dừng lại, và điều quan trọng là các bảo tàng cũng tiếp tục duy trì hoạt động, đặc biệt là trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19. Ông Ernesto Ottone R., Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách Văn hóa khẳng định: “Bảo tàng không chỉ đơn thuần là nơi di sản của nhân loại được gìn giữ và phát huy. Đây là những không gian quan trọng dành cho giáo dục, tạo nguồn cảm hứng và đối thoại. Vào thời điểm hàng tỷ người trên thế giới bị tách biệt với nhau, các bảo tàng có thể mang chúng ta lại với nhau”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta đang thấy các bảo tàng và cộng đồng mà các thiết chế này đang phục vụ trở nên kiên cường hơn, tháo vát và đổi mới. Từ các lượt truy cập ảo vào Facebook và Instagram, từ podcast đến các nền tảng truy cập trực tuyến, bảo tàng và các tổ chức văn hóa đang trở nên sáng tạo khi họ đối phó với tình huống chưa từng có này.
"Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Để góp phần giảm bớt sự lây lan, Bảo tàng Livingstone đã đóng cửa nhưng hoạt động thông qua Facebook và trang web của chúng tôi!” - ông Terry Nyambe, Bảo tàng Livingstone, Zambia chia sẻ.
Để tiếp tục hoạt động, bên cạnh việc sử dụng mạng xã hội, nhiều bảo tàng Lebanon đã cung cấp các tour du lịch ảo và xây dựng các ứng dụng trên di động hỗ trợ du khách. Bà Anne Marie Afeiche, Giám đốc điều hành Hội đồng Bảo tàng Lebanon cho biết: “Chúng tôi sẽ vượt qua thách thức này và chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ rằng, sau khi COVID 19 kết thúc, việc xây dựng lại và phát triển chương trình các hoạt động của bảo tàng là quan trọng như thế nào, để đảm bảo sự đa dạng, sức sống và sáng tạo của các bảo tàng. Đồng thời, thông qua việc tiếp tục gìn giữ tốt các giá trị văn hóa, chúng tôi sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội sau này”.
Hamady Bocoum, Tổng Giám đốc Bảo tàng Văn minh của người da đen ở Dakar, Senegal cho biết thiết chế văn hóa này đã hành động rất nhanh chóng để ứng phó với tình hình: “Ngay khi bảo tàng phải đóng cửa vì COVID 19, chúng tôi đã đề nghị các chuyên gia tham gia và ghi hình hoạt động hướng dẫn tham quan đối với tất cả các triển lãm tại Bảo tàng. Chúng tôi cũng đề nghị Truyền hình Quốc gia Senegal phát sóng các chương trình về bảo tàng, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các chương trình trực tuyến”.
Beryl Ondiek, Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Seychelles, khẳng định rằng: “Trong khủng hoảng, các bảo tàng đã phá vỡ những bức tường ngăn cách giữa chúng ta. Các bảo tàng có thể sử dụng tất cả các bộ sưu tập và thông tin sẵn có, và truyền bá các di sản văn hóa và thiên nhiên của chúng ta đến các cộng đồng thông qua internet để nâng đỡ tinh thần và giữ cho mọi người kết nối”
Đưa ra các chiến lược sắp tới
Trước các quyết định đóng cửa do chính quyền đưa ra, hầu hết các bảo tàng xây dựng và thực hiện các chiến lược riêng trong bối cảnh của đại dịch COVID 19, và các giải pháp này rất đa dạng. Tuy nhiên, thách thức chung vẫn là hỗ trợ cho nhân viên, vấn đề an ninh và bảo quản các bộ sưu tập phải được tiếp tục. Không chỉ không tạo ra doanh thu, các bảo tàng cũng dễ bị tổn thương khi đóng cửa. Vào ngày 29 tháng 3 năm 2020, bức tranh "Vườn xuân" của họa sỹ Vincent van Gogh đã bị đánh cắp từ Bảo tàng Singer Laren, Hà Lan, hiện đang bị đóng cửa do COVID-19.
Các bảo tàng đang tìm kiếm một loạt các nguồn lực khác nhau từ chính quyền địa phương và quốc gia, công chúng và các nhà hảo tâm khác. Trong một số trường hợp, các quỹ và các tổ chức phi chính phủ đang tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ các tổ chức văn hóa, trong đó có bảo tàng. Các sáng kiến khác bao gồm nới lỏng các hạn chế trong việc nộp hồ sơ xin tài trợ, gia hạn hoặc hoãn các sự kiện, và tôn trọng các cam kết cho các sự kiện dự kiến tổ chức ở các bảo tàng đã không được diễn ra.
Bảo tàng Mary Rose ở Portsmouth, Anh hoạt động phụ thuộc ngân sách vào Quỹ Mary Rose nhằm bảo tồn và trưng bày tàu chiến yêu thích của Vua Henry VIII, và bộ sưu tập các hiện vật độc đáo của bà. Helen Bonser-Wilton, Giám đốc điều hành của Quỹ cho biết, sau khi bảo tàng đóng cửa vì COVID-19, Bảo tàng Mary Rose đã “lâm vào tình trạng nguy hiểm” vì 90% nguồn ngân sách hoạt động đến từ du khách, với nguồn thu phần lớn được tạo ra từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Bà khẳng định chính quyền cần có sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp để duy trì bảo tàng và công tác bảo quản các hiện vật”.
Suzy Hakimian, Chủ tịch ICOM Lebanon, lưu ý rằng nhiều bảo tàng với các nguồn lực hạn chế hơn đang cố gắng đối phó với các thách thức về tài chính ngày càng gia tăng, so với những khó khăn mà họ đã phải đối mặt trong thời gian bình thường. “Khi thảm họa này kết thúc, chúng ta cần phải cứu một số bảo tàng để bảo tồn các bộ sưu tập của họ và trên hết là tránh sa thải nhân viên, người lao động. Đây là một phần cơ bản trong các kế hoạch khẩn cấp của bảo tàng trong tương lai”-Bà khẳng định.
Chia sẻ thực hành tốt
UNESCO, với sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), đang nỗ lực để đo lường tác động của COVID-19 trên lĩnh vực bảo tàng. UNESCO hiện đang thống kê các bảo tàng trên khắp thế giới đang cung cấp nội dung trực tuyến và các chiến lược đổi mới để đối phó với cuộc khủng hoảng corona virus. Một danh sách đang được thiết lập với các liên kết cụ thể đến các tổ chức bảo tàng và thông tin sẽ được cung cấp trực tuyến. UNESCO dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực Ả Rập và Châu Phi, nơi mà dữ liệu vẫn còn rời rạc. Việc lập bản đồ này sẽ cho phép công chúng truy cập vào các bộ sưu tập này tại các bảo tàng, đồng thời cho phép các bảo tàng trao đổi các thông lệ tốt để hỗ trợ phát triển các chiến lược bảo tàng dài hạn.
Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), đại diện cho cộng đồng bảo tàng quốc tế, kêu gọi và làm việc với các nhà hoạch định chính sách và chính quyền các cấp, các tổ chức quốc tế, đối tác để khẩn trương phân bổ các quỹ cứu trợ cho các bảo tàng và các chuyên gia, nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tàng, để có thể tiếp tục sứ mệnh quan trọng phục vụ cộng đồng và đảm bảo gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống cho các thế hệ tiếp theo. Đặc biệt, sau khi COVID 19 kết thúc, các bảo tàng sẽ là nơi gặp gỡ và học hỏi, giữ vai trò quan trọng trong việc gắn kết xã hội, hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Quốc Anh - Cục HTQT (dịch từ en.unesco.org)