Xây dựng các công viên giải trí quy mô lớn tại Hà Nội: Hút đầu tư để hiện thực hóa quy hoạch
Cập nhật: 23/04/2020
Nhiều năm qua, Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các công viên giải trí quy mô lớn, những tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại, phục vụ nhu cầu chính yếu của người dân Thủ đô. Bởi vậy, việc TP mới đây đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết đồng bộ khu Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới tỷ lệ 1/500 thực sự là tin vui, chấm dứt được tình trạng chen chúc nhau vào chơi ở mùa cao điểm.

 Quang cảnh Công viên nước Hồ Tây. Ảnh: Anh Đăng

Hệ lụy của việc thiếu chỗ chơi

Mỗi dịp Hè đến, khi nhu cầu vui chơi giải trí của con em tăng cao, nhiều phụ huynh trên địa bàn Hà Nội lại đau đầu với việc tìm một khu vui chơi, thư giãn cho con em mình. Một số công viên cũ như: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua, giờ đây chỉ là những nơi có cây xanh, hồ nước để người dân đi bộ, thư giãn, tập thể dục. Những trò chơi đơn điệu, cũ kỹ trong các công viên đã không còn đủ sức hấp dẫn giới trẻ.

Hà Nội hiện có Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời, có những trò chơi vận động nhưng so với các khu vui chơi như Vinpearl Land (Nha Trang), Fantasy Park trong khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) hay Đại Nam (Bình Dương)… thì quy mô vẫn còn quá nhỏ. Các loại hình dịch vụ giải trí tại đây không đa dạng, được xây dựng từ lâu nên đã lỗi thời, xuống cấp. Thế nhưng vào những ngày Hè, tại đây vẫn đón hàng trăm lượt trẻ em đến vui chơi, cuối tuần nào cũng chật cứng người. Trong khi đó, các khu vui chơi giải trí tổng hợp trong nhà mới được xây dựng ở một số trung tâm thương mại lớn như Royal City, Vincom Center Hanoi, Times City hay AeonMall chỉ đủ sức phục vụ nhu cầu giải trí của số ít người dân, do giá vào cửa, phí tham gia trò chơi không hề rẻ.

Đáng nói, mặc dù Hà Nội là trung tâm du lịch nhưng từ nhiều năm nay, trong chương trình tour của các công ty lữ hành, khách tham quan Hà Nội chủ yếu là các di sản văn hóa, làng nghề và kết nối với các điểm du lịch ở những địa phương lân cận. Đến thời điểm này, hầu như chưa có tour du lịch nào đưa điểm vui chơi, giải trí vào phục vụ du khách khi đến Thủ đô. Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, Hà Nội đang thiếu hẳn những tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.

Khắc phục những bất cập

Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo nêu rõ, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân - Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai, khu vực thắng cảnh Hương Sơn - hồ Quan Sơn - Tuy Lai. Xây dựng 2 - 3 khu du lịch, vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế, kết hợp truyền thống và hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực.

Đại diện Sở QH - KT Hà Nội cho biết, chủ trương xây dựng các công viên đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nằm trong mạng lưới quy hoạch công viên, vườn hoa của TP. Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện thì phụ thuộc rất nhiều vào việc xã hội hóa. Hiện, TP đang triển khai kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện các dự án này. Trong đó có dự án công viên giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông) với quy mô 96ha; dự án công viên vườn hoa giải trí, nghỉ ngơi kết hợp bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp (thuộc quận Bắc Từ Liêm), quy mô 178ha; dự án công viên chuyên đề theo trục đường Hà Nội - Hải Phòng (thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm), quy mô 200ha; dự án khu Công viên dịch vụ du lịch giải trí Đồng Mô (thuộc thị xã Sơn Tây), quy mô 264ha.

Đặc biệt, mới đây, TP đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết đồng bộ khu Công viên nước Hồ Tây và Công viên Mặt Trời Mới tỷ lệ 1/500. Mục tiêu của đồ án quy hoạch nhằm phân khu chức năng, hình thành công viên vui chơi, giải trí chuyên đề ngoài trời và trong nhà với hạng mục chính là Công viên nước Hồ Tây, các khu phụ trợ, vui chơi giải trí tổng hợp, trục không gian cảnh quan kết nối với Hồ Tây... Với quyết định này, Công viên nước Hồ Tây sẽ sớm trở thành một điểm đến văn hóa, văn minh, hiện đại có hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng mong mỏi của nhiều người dân Thủ đô.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam - GS. KTS Nguyễn Lân cho rằng, từ lâu Hà Nội luôn quan tâm đến việc xây dựng các khu vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những sân chơi trên địa bàn TP vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu người dân và du khách, và chưa xây dựng được một khu vui chơi, giải trí ngang tầm khu vực. "Quy hoạch dù đã có nhưng do chủ đầu tư thiếu vốn hoặc một nguyên nhân nào đó nên chưa thực hiện được. Mặt khác, còn tình trạng không tôn trọng quy hoạch, không kiểm tra giám sát thường xuyên trong phát triển đô thị. Khắc phục điều này, tuy dễ hơn nhưng phải triệt để chống tham nhũng, lãng phí, tôn trọng pháp luật, để mỗi dự án đầu tư đều được tôn trọng từ khâu quy hoạch đến thi công trên thực địa. Ngoài ra, cần yêu cầu các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở quản lý chặt các khu vui chơi, không để bỏ bê như hiện nay" - GS.KTS Nguyễn Lân nói.

Hà Nội nên sớm kêu gọi đầu tư, xây dựng một công viên kiểu như Disneyland Resort (California Mỹ), DreamWord (Golden Coast, Australia), Everland (Hàn Quốc), Disneyland (Paris, Pháp)… Bởi những điểm đến này không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí hàng ngày mà còn góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Thủ đô.

Vũ Lê

Báo Kinh tế đô thị