Không thể phủ nhận Tam Đường có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Tuy nhiên, để có những bước đệm và tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói" khẳng định được vị trí như hiện nay, chính quyền huyện đã có định hướng chỉ đạo linh hoạt và tạo cơ chế thông thoáng, mở cửa thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Tam Đường xác định phát triển dịch vụ du lịch là một trong 2 chương trình trọng điểm để Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung lãnh, chỉ đạo. Theo đó, huyện có những động thái tích cực trong mời gọi đầu tư như: Tổ chức thành công hội thảo kêu gọi đầu tư, giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển du lịch của huyện, thu hút trên 40 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đến tham dự. Ký kết 6 biên bản ghi nhớ khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mỗi tháng một lần, huyện tổ chức phiên chợ Tam Đường tại Chợ Trung tâm huyện giới thiệu bản sắc văn hóa, văn nghệ đặc sắc của các dân tộc trong huyện. Khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho Câu lạc bộ dù lượn Vietwings (Hà Nội) biểu diễn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, năm 2019, trên địa bàn huyện đã khai trương 2 điểm du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn và Cầu kính Rồng Mây. Phối hợp tổ chức giải thi đấu dù lượn đường trường Putaleng mở rộng với sự tham gia của 80 phi công đến từ 12 quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore… Đây chính là điều kiện thúc đẩy việc quảng bá du lịch huyện Tam Đường đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Lượng khách đến huyện trong năm 2019 đạt gần 135.000 lượt người, tăng hơn 20 lần so với năm 2015 (Năm 2015 có 6.000 lượt khách), doanh thu ước đạt 50,5 tỷ đồng.
Du khách vãn cảnh trên Khu du lịch đồi thông Tả Lèng.
Ông Từ Hữu Hà – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch cụ thể đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch, huyện đã mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực và các dịch vụ phụ trợ để thu hút du khách. Năm 2019, UBND huyện đã tổ chức hội thảo giới thiệu tiềm năng và định hướng phát triển du lịch của huyện để kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển du lịch. Tiếp đó, trong khâu khảo sát đầu tư, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời về quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển, tiềm năng lợi thế của mỗi khu vực, mỗi địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn, giới thiệu để nhà đầu tư làm các thủ tục xin chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư theo quy định. Tạo điều kiện thông thoáng để giải quyết nhanh nhất các thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền cho các doanh nghiệp được khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch. Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân có đất trong khu vực dự án hợp tác giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phòng mặt bằng triển khai dự án.
Chứng minh cho điều đó, đến nay, huyện đã có 2 doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng các khu du lịch tại xã Sơn Bình: Tập đoàn Hoàng Liên Sơn xây dựng Khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây (Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 160 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 1.500 tỷ đồng) và Công ty Pu Sam Cáp đầu tư Khu du lịch sinh thái đỉnh Đèo Hoàng Liên Sơn (Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 65 tỷ, giai đoạn 2 là trên 200 tỷ đồng). Ngoài ra, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh đang hoàn thiện các hạng mục để phục vụ du lịch tâm linh tại bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tiến hành khảo sát, xin chủ trương, lập dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, điểm thăm quan ngắm cảnh như: Doanh nghiệp tư nhân Tiến Bảy đầu tư tại điểm du lịch Phiêng Tiên (xã Bản Bo); Doanh nghiệp xây dựng A Sinh đầu tư tại điểm du lịch sinh thái Đồi thông Tả Lèng; Doanh nghiệp Thủy Thỏa đầu tư tại điểm du lịch Bản Thẳm (xã Bản Hon); Công ty chè Tam Đường xây dựng Showroom Tam Đường Tea tại bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng). Trên địa bàn huyện đã có 1 Công ty lữ hành Du lịch (Công ty cổ phần Du lịch Việt Á Hà Nội Chi nhánh huyện Tam Đường).
Cầu kính Rồng Mây (Ảnh: Internet)
Khu du lịch đồi thông Tả Lèng (xã Tả Lèng) được các du khách ví như “Đà Lạt” thu nhỏ của Lai Châu. Ghé thăm đồi thông Tả Lèng du khách như lạc vào không gian mơ mộng, hòa quyện trong tiếng chim hót và tiếng gió thổi du dương của đồi thông. Tất cả tạo nên một cảm giác thật bình yên, xua tan đi bao mệt mỏi, ưu phiền. Anh Giàng A Sinh – Quản lý Khu du lịch cho hay: “Khu du lịch đồi thông trước đây do người dân bản Thèn Pả thay nhau trông coi và quản lý. Từ tháng 4/2019, tôi nhận thầu lại khu du lịch và có nghĩa vụ nộp lại cho bản 150 triệu đồng. Mọi thủ tục chuyển đổi tôi được chính quyền xã, huyện tạo điều kiện và giải quyết nhanh, gọn, Sau khi bàn giao, tôi cũng đã cải tạo lại các công trình, cố gắng làm mới khu du lịch để thu hút du khách đến thăm quan. Bình quân mỗi ngày khu du lịch thu hút 200 lượt khách.
Những năm tới, để phát triển hơn nữa ngành “công nghiệp không khói” huyện sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, nâng cao tính năng động trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; tổ chức các hội nghị quảng bá, thu hút đầu tư, tạo cơ hội gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh. Tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển du lịch.
Giải pháp quan trọng khác, huyện đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh (thành lập doanh nghiệp, chấp thuận địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng… Đồng thời, tập trung huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ bản nhằm thu hút các doanh nghiệp phát triển du lịch (hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hệ thống điện, nước, khu bãi gửi xe…).
Mong rằng với tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt cùng những giải pháp phù hợp trên, “cánh diều” du lịch của huyện thuận hướng gió sẽ còn bay lên cao mãi.
Bạch Dương - Thu Trang