Ẩn sâu giữa Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, thác Khỉ nằm trên địa bàn xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cách trung tâm thị trấn Sa Thầy chừng 10 cây số.
Thác Khỉ không có được quy mô kỳ vĩ, hoành tráng như nhiều thác nước tự nhiên khác giữa đại ngàn Trường Sơn, song lại thu hút rất nhiều người tìm đến. Là bởi đường đến thác thuận tiện, rất hợp với những chuyến dã ngoại, picnic thư giãn thanh nhàn. Ngoài ra, đến đây du khách còn có thể kết hợp tham quan nhiều điều kỳ thú tại Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Gọi là thác Khỉ bởi khu vực này trước đây có rất nhiều đàn linh trưởng tụ về tìm ăn các loại quả rừng ngon ngọt và uống nước, nô đùa nơi thác nước trong xanh.
Thác Khỉ (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Ảnh internet
Từ thị trấn Sa Thầy đến Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật, khách đi vòng ra sau khu nhà làm việc của Trung tâm để vào thác Khỉ. Khoảng 2 km đầu, khách có thể đi bằng xe máy len lách vòng vèo qua vạt rừng thứ sinh. Ở đoạn đường này, nếu đi đúng vào dịp cuối năm, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi bắt gặp một quần thể gần 10 cây pơ lang đang mùa trổ hoa rực rỡ, soi thắm một góc rừng. Nói “ngạc nhiên” là vì đặc tính của loài cây rừng này chỉ đứng đơn chiếc, ít khi mọc thành vạt. Thế mà ở đây lại có đến một “quần thể” xúm xít sum suê như vậy! Hết vạt rừng thứ sinh và chòm pơ lang, nơi cửa rừng tiếp vào vùng nguyên sinh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia đã cho dựng mấy ngôi nhà chòi kiểu nhà sàn nép dưới những tán cổ thụ đứng ven dòng suối nhỏ cho du khách nghỉ ngơi. Sau khi dừng chân nơi các nhà chòi, du khách để xe, để đồ lại đấy, cuốc bộ chưa đầy 1 km nữa, len lách xuyên qua khu rừng nguyên sinh ken dày, mát lạnh để vào thác Khỉ.
Trên đường đi, khách dễ dàng bắt gặp nhiều loại cây rừng có trái ăn được như: dâu đất, chôm chôm, bứa…, là các món khoái khẩu của họ hàng nhà khỉ. Tuy là cây rừng nhưng vẫn ngọt ngon như cây trồng thuần hóa trong vườn nhà, nếu khách đến đúng mùa quả chín có thể thưởng thức món đặc sản này. Ngẫm mà khen cho bọn khỉ khôn lanh chọn đúng nơi không những có đồ ăn thức uống ngon lành mà còn có cả cảnh đẹp nguyên sơ, rừng xanh thác bạc để chơi đùa thư giãn!
Thác Khỉ có độ cao chỉ chừng trên 20 m, nước đổ mạnh qua những hòn đá tảng xám xịt rêu phong tạo nên âm thanh lớn và bụi nước bay mù, khiến giữa ngày nắng ráo mà du khách vẫn có cảm giác như trời đang đổ mưa to. Tĩnh tâm tận hưởng một bữa đắm mình trong thiên nhiên khoáng đạt, khách mặc sức ngỡ mình là một tiên ông đang ẩn cư vui thú lâm tuyền!
Đến chơi thác Khỉ, ngoài thưởng lãm thiên nhiên, khách còn được khám phá một điểm đến khác không kém phần sinh động và cần thiết. Ấy là tham quan khu Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật. Được thiết kế ở sát bìa rừng, đây là khu nuôi nhốt động vật hoang dã sau khi được cứu hộ do bị thương tật, bị săn bắt phi pháp… trước khi thả về lại thiên nhiên. Tùy vào thời điểm, nếu may mắn khách sẽ được mục sở thị một số loài vật quý hiếm như: công, trĩ, gà rừng, nai, gấu, khỉ… Kế khu nuôi nhốt động vật là khu bảo tồn và nhân giống các loài phong lan, địa lan đặc hữu của Vườn Quốc gia. Ở đây có khoảng trên 1.500 giá thể lan, trong đó có một số loài rất quý hiếm như: trúc Phật Bà, hài vân, hoàng long, thanh đạm, mỹ dung dạ hương... Lại có khu bảo tồn và trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng thứ sinh nữa.
Ấy là khu vực ngoài trời, còn trong phòng trưng bày là cả một kho lưu trữ những tiêu bản rất nhiều loài động-thực vật vô cùng phong phú. Đặc biệt, có một tiêu bản gây ấn tượng mạnh đối với khách tham quan là chú bò tót rừng thiệt mạng đầu năm 2017. Cá thể bò tót này được Ban Quản lý Vườn Quốc gia thu nhận và được UBND tỉnh Kon Tum cho phép làm tiêu bản phục vụ nghiên cứu khoa học (đây là tiêu bản thứ 2, sau tiêu bản bò tót ở Bảo tàng Động vật Thiên nhiên Việt Nam).
Những tiềm năng du lịch ấy ở thác Khỉ vẫn còn như nàng tiên đang ngủ quên giữa rừng, đợi chờ chàng hoàng tử hào hoa phong nhã đánh thức!
Tạ Văn Sỹ