Hội đồng Lữ hành và du lịch thế giới (WTTC) cảnh báo COVID-19 có thể gây thiệt hại tới 50 triệu việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một bến xe ở Mamelodi East, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Số lượng du khách quốc tế và doanh thu từ du lịch ở châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tuy nhiên ngành "công nghiệp không khói" này ở châu lục có thể được phục hồi nhờ những biện pháp phù hợp.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong 2 thập kỷ qua, du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của hầu hết các nước châu Phi, ngày càng được chú trọng đầu tư để phát triển và nâng cao sản phẩm, tiếp thị tích cực, cùng với các cải cách chính trị xã hội thân thiện với doanh nghiệp.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trung bình 1 trong 20 việc làm ở phía Nam Sahara châu Phi là trong lĩnh vực du lịch và lữ hành. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UNWTO) ước tính năm 2018, có khoảng 67 triệu du khách quốc tế đến châu Phi, mang lại nguồn doanh thu khoảng 38 tỷ USD cho lục địa này.
Lượng khách quốc tế đến châu Phi năm 2019 tăng 4,2% so với năm trước đó và trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, mức gia tăng của năm 2020 được dự đoán từ 3% đến 5%. Sự tăng trưởng xuất phát từ những điều kiện như tăng trưởng kinh tế, nhu cầu du lịch hàng không mạnh, cải tiến công nghệ kỹ thuật số và quy trình cấp thị thực dễ dàng hơn.
Hội đồng Lữ hành và du lịch thế giới (WTTC) cảnh báo COVID-19 có thể gây thiệt hại tới 50 triệu việc làm trong ngành du lịch và lữ hành trên toàn thế giới. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch có thể mất 10 tháng để phục hồi. Đối với các điểm đến mới nổi như ở châu Phi, thời gian phục hồi có thể kéo dài hơn một năm.
Theo WTTC, do ảnh hưởng của COVID-19, lượng du khách quốc tế đến châu Phi năm 2020 có thể giảm từ 1% đến 3%, khiến lục địa này có khả năng mất đi nguồn doanh thu từ 30 đến 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, với những biện pháp hỗ trợ phù hợp, ngành du lịch châu Phi có khả năng phục hồi sau khủng hoảng tương đối tốt. Đối phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đều cần có sự chuẩn bị, nhanh chóng xây dựng và thực thi mạng lưới phản ứng, đồng thời quản lý phương tiện truyền thông xã hội và chính thống, cũng như đưa ra các biện pháp để thúc đẩy phục hồi nhanh chóng.
Tiếp thị sau khủng hoảng cũng cần xem xét xóa bỏ những thông tin sai sự thực về quy mô của đại dịch ở châu Phi, bao gồm số người nhiễm bệnh và tương quan so với các điểm du lịch khác ngoài lục địa.
Điều này sẽ giúp khôi phục niềm tin và còn có thể đưa châu Phi vào danh sách các điểm đến thay thế tiềm năng. Để chuyển tải các thông điệp trên, cần huy động cả phương tiện truyền thống và phi truyền thống, trong đó chú ý các phương tiện truyền thông xã hội, như YouTube và các nền tảng kỹ thuật số khác.
Chính phủ các nước cũng cần hỗ trợ tài chính cho ngành du lịch và các doanh nghiệp liên quan khác như các ưu đãi và miễn trừ thuế, bảo hiểm, cứu trợ và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt.
Đồng thời, cần thực hiện các chiến dịch giáo dục đối với các cộng đồng dân cư trong khu du lịch, khuyến khích họ chào đón du khách và không kỳ thị khách du lịch từ các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Các nước châu Phi cũng nên tập trung vào việc tăng cường quảng bá du lịch và lữ hành nội địa và nội bộ châu Phi. Điều này sẽ đóng vai trò như chất xúc tác để kích hoạt phục hồi và kích thích tăng trưởng trong ngành./.
Đình Lượng