Tiền Giang là một trong khá nhiều tỉnh/thành phố không có người nhiễm COVID-19, tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là một trong những điểm đến an toàn cho khách du lịch nội địa, đặc biệt là với nhiều lợi thế về sông nước miệt vườn, lại có thêm làng nhà cổ hết sức thú vị.
Chợ nổi Cái Bè đang là một điểm đến thu hút khách ở Cái Bè
Mùa sầu riêng vẫy gọi
Dọc theo Quốc lộ 1, chúng tôi đến Cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, dù là ngày cuối tuần nhưng lượng phương tiện vẫn khá đông. Từ đầu cao tốc, chỉ cần chưa tới 1 giờ đồng hồ là đã đặt chân tới Tiền Giang, do cuối tuần qua, giao thông khá thuận lợi, đó cũng là may mắn cho chúng tôi. Nói may mắn là bởi, Cao tốc Tp.HCM – Trung Lương hiện có chất lượng mặt đường khá xấu, lại thêm đông phương tiện, bị hạn chế tốc độ (tối đa 100km) nên đôi khi di chuyển hết sức vất vả.
Ở Tiền Giang có nhiều địa điểm để tham quan, giải trí, ẩm thực… Điển hình nhất vẫn là các vườn cây ăn trái, đủ chủng loại, như: sầu riêng, măng cụt, bưởi, chôm chôm… Còn vú sữa nổi tiếng ở khu vực Tiền Giang có vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim - thương hiệu nức danh từ mấy chục năm qua.
Tuy nhiên, giờ đang là thiên đường của sầu riêng và Tiền Giang đang nổi lên là một thủ phủ để khám phá loại trái cây độc đáo này (mùa chính từ tháng 5 đến tháng 8). Dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua các chuyện Châu Thành, TX. Cai Lậy, Cái Bè… sầu riêng “chất đầy” hai bên đường, với giá cực rẻ, chỉ từ 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, loại ngon thì phải có giá từ 50.000 đồng/kg trở lên.
Trên đường đi, nhóm PV cũng ghé vào “quất” 2 trái sầu riêng của cô Hà – người vừa xinh vừa dễ thương bán nước và sầu riêng ven đường. Trời về chiều, cái nắng ở miền Nam cũng không thể cản bước, thêm vào đó, có thêm sầu riêng ngon, nước mát và những con người chân chất đón tiếp… chúng tôi càng tràn đầy năng lượng để tiếp tục hành trình.
Hiện nay, chỉ riêng tại “thủ phủ” Cai Lậy có khoảng gần 10.000ha cây sầu riêng, gồm nhiều loại giống sầu riêng, hàng năm cho sản lượng gần 200.000 tấn/năm. Vùng chuyên canh sầu riêng tập trung tại các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long Tiên, Hội Xuân, Long Khánh, Cẩm Sơn, Phú An, Hiệp Đức…. Tại Tiền Giang, sầu riêng Ngũ Hiệp đã được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cung cấp văn bản bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Sầu riêng Ngũ Hiệp. Mùa này mà về miền Tiền Giang tát đìa bắt cá, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức ẩm thực, cùng “xơi” vài múi sầu riêng thì còn gì thú vị bằng.
Sầu riêng Ngũ Hiệp – nức danh ở miền Nam
Nhiều điều thú vị
Tại Tiền Giang còn có ở làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) hết sức thú vị. Chỉ cần hết cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, khách di chuyển khoảng 50km thì tới địa phận Cái Bè.
Những nhà cổ, như: Ba Đức, ông Kiệt, ông Xoát… khi đặt chân đến, ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc của căn nhà tồn tại trường tồn cùng thời gian thì khách còn có thể ăn uống và ngủ lại đây theo hình thức homestay. Tại các nhà cổ này còn có dịch vụ đạp xe tham quan cảnh làng quê hết sức bình yên, với hoa cỏ thơm ngát hai bên đường, học nấu ăn hay đơn giản là ngồi uống trà tâm sự cùng gia đình.
Một đặc sản ở khu vực Tiền Giang mà người dân, du khách về đây cần khám phá, đó là các loại bánh dân gian, như: bánh ít, bánh lá, bánh cốm… với các nguyên liệu có sẵn, đặc biệt là cây trái xum xuê, cùng sự khéo tay thì người miền Tây làm bánh cực kỳ ngon, không thua kém bất cứ vùng nào. Cạnh đó là Chợ nổi Cái Bè cũng là một trải nghiệm thú vị cho khách. Từ rất sớm, 3 – 4 giờ sáng, chợ đã bắt đầu tấp nập người buôn, kẻ bán và đến khoảng 5 – 6 giờ sáng là thời điểm chợ nổi Cái Bè đông đúc nhất.
Họp ở đoạn sông Tiền, giáp ranh giữa 3 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, Chợ nổi Cái Bè là một trong những khu chợ nổi có quy mô lớn nhất ở khu vực Nam bộ. Ngày nay, dù quy mô đã giảm, nhưng cũng có khoảng 100 ghe buôn bán sỉ các mặt hàng trái cây, rau, củ, quả...
Nằm về phía hữu ngạn chợ nổi Cái Bè là cù lao Tân Phong (xưa gọi là Cồn Cù) được hợp thành bởi 6 cù lao xinh xắn có tổng diện tích 2.430ha. Cù lao Tân Phong như hòn ngọc xanh giữa dòng sông Tiền, nổi tiếng với những vườn chôm chôm quả to và ngọt, với loại ốc gạo đặc biệt chỉ có ở cù lao Tân Phong. Đây còn là hình ảnh thu nhỏ của vùng châu thổ, hấp dẫn du khách bởi những đặc trưng của văn minh miệt vườn. Đặc biệt vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch du khách đến đây rất đông để tắm cồn. Những ngày cuối tuần hoặc tour ngắn ngày (3 ngày 2 đêm) sẽ rất thích hợp để khám phá Tiền Giang.
Nhà cổ với cảnh làng quê hết sức bình yên
Sẵn sàng phục vụ
Trao đổi thêm với PV, ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ngày 9/5, UBND tỉnh Tiền Giang đã có công văn thống nhất mở cửa hoạt động du lịch nội địa, gồm: hoạt động lữ hành, lưu trú, nhà hàng, các khu - điểm du lịch, di tích lịch sử văn hóa, dịch vụ du lịch nội địa khác… nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Song song đó, tỉnh cũng chuẩn bị các phương án tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp”.
Cũng theo ông Tân thì: “UBND tỉnh cũng cho phép tổ chức các lễ hội văn hóa, sinh hoạt nghi lễ tôn giáo, các hoạt động hội thi - hội thao, vui chơi giải trí, các dịch vụ khác. Các câu lạc bộ đờn ca tài tử cũng được phép hoạt động trở lại… Tuy nhiên, cần phải đảm bảo không gian thông thoáng, khuyến khích đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn”.
Bên cạnh đó, về hoạt động nhà hàng, quán ăn cũng yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức không gian phục vụ thông thoáng, người phục vụ - chế biến phải đeo khẩu trang, tạo điều kiện, khuyến khích khách hàng rửa tay sát khuẩn, làm vệ sinh bàn ghế sau mỗi lần phục vụ.
Kích cầu du lịch nội địa
Ông Nguyễn Vũ Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, “Hiện, các đơn vị trong ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại phục vụ từ ngày 9/5 và chúng tôi cũng đang thực hiện các giải pháp để kích cầu du lịch nội địa theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang”.
|
Dương Thanh